Ác mộng chưa qua

(ANTĐ) - Quốc hội Mỹ vừa chỉ trích những nỗ lực kéo dài suốt một thập kỷ qua tại Afghanistan, đồng thời cảnh báo nguy cơ nền kinh tế đất nước Nam Á này có thể sụp đổ.

Ác mộng chưa qua

(ANTĐ) - Quốc hội Mỹ vừa chỉ trích những nỗ lực kéo dài suốt một thập kỷ qua tại Afghanistan, đồng thời cảnh báo nguy cơ nền kinh tế đất nước Nam Á này có thể sụp đổ.

Một người dân Afghanistan kiếm sống nhờ bãi rác

Một người dân Afghanistan kiếm sống nhờ bãi rác

Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng cuộc chiến chống khủng bố và nỗ lực tái thiết Afghanistan thu được quá ít kết quả so với số tiền gần 19 tỷ USD mà Mỹ đã đổ vào chiến trường này. Báo cáo nêu rõ các nhà tài trợ cho Afghanistan phải xem xét lại toàn bộ kế hoạch trợ giúp nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế nước này một khi lực lượng nước ngoài rút đi, dự kiến vào năm 2014.

Thực tế cho thấy gần một thập kỷ kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Afghanistan, đất nước Nam Á này vẫn được coi là một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Ước tính, 9/10 người Afghanistan vẫn chưa được tiếp cận với điện thường xuyên và chỉ có 497 nghìn người trong tổng số 4,8 triệu dân Afghanistan được dùng lưới điện quốc gia. Đã thế Afghanistan lại không giàu tài nguyên thiên nhiên. Nước này chỉ có một ít mỏ đá hoa cương và cẩm thạch. Các khoáng sản khác không đủ lớn để phát triển kinh tế.

Chính vì thế nhiều năm nay, kinh tế Afghanistan được duy trì nhờ vào hàng tỷ USD viện trợ, chi phí và việc làm được tạo ra nhờ mấy chục nghìn quân nước ngoài có mặt tại nước này và khoảng 3 tỷ USD/năm từ buôn bán ma túy bất hợp pháp. Nhưng giờ đây, các nước tài trợ cũng đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, buộc phải xem xét lại các khoản tài trợ cho Afghanistan.

Trong khi các nguồn tài trợ ngày một eo hẹp, thì Afghanistan lại bị coi là nơi có chính phủ bất lực và tham nhũng. Cơ quan thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho biết gần 18 tỷ USD viện trợ tái thiết đã “mất hút” trong “mê cung”. Còn phía Afghanistan thì cáo buộc các cố vấn nước ngoài được trả lương quá cao, chiếm gần một nửa các khoản tài trợ nước ngoài. Họ đưa ra con số trong năm 2007, 1,3 tỉ USD trong số 3,5 tỉ USD viện trợ đã dành để chi cho các cố vấn quốc tế.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, hiện Afghanistan chỉ còn một lợi thế là cửa ra cho nhiều nước Trung Á giàu tài nguyên nhưng bị bao bọc. Theo ông Robhani, một chuyên gia kinh tế, hy vọng lớn nhất giờ đây là dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ Turkmenistan qua miền Tây và Nam Afghanistan vào Pakistan, rồi đi tiếp sang Ấn Độ. Dự án sẽ tạo hàng trăm chỗ làm với lợi nhuận hàng năm qua việc thu phí trung chuyển là 100 triệu USD.

Nhưng chiến tranh kéo dài đang cướp đi cơ hội này. Tình thế hiện nay trên chiến trường Afghanistan là Mỹ không thua Taliban và Al Qaeda, song cũng không thể nói là thắng các lực lượng. Trong bối cảnh đó, những chỉ trích của Quốc hội Mỹ về các khoản tài trợ cho Afghanistan là tín hiệu cho thấy việc nhận tài trợ sẽ không phải là điều tất nhiên với Kabul như trước đây. Thực tế thì Quốc hội Mỹ đã chính thức yêu cầu chính quyền của ông B. Obama cần điều chỉnh trọng tâm khoản viện trợ 320 triệu USD/tháng rót cho Kabul. Theo đó, trước khi được giải ngân, các chương trình hỗ trợ tài chính phải đáp ứng ba tiêu chí, đó là thực sự cần thiết, chắc chắn thành công và có hiệu quả lâu dài.

Hoàng Sơn