99,9% số lượt xe buýt Hà Nội được đánh giá chất lượng 5 sao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

Theo đó, về đánh giá chất lượng dịch vụ chuyến lượt có xấp xỉ 6 triệu lượt xe được đánh giá. Trong đó, có 5,985 triệu lượt xe được chấm 5 sao, chiếm tỷ lệ 99,91%; có 4.682 lượt xe được đánh giá 4 sao, chiếm tỷ lệ 0,1%; 134 lượt xe chấm 3 sao, chiếm tỷ lệ 0,002%; chỉ có 2 lượt xe bị chấm điểm 2 sao và 300 lượt xe bị chấm 1 sao, chiếm tỷ lệ 0,005%.

Về đánh giá chất lượng dịch vụ tuyến buýt có tổng số 153 tuyến và nhánh tuyến. Trong đó, 38 tuyến và nhánh chuyến đạt 5 sao, chiếm 24,48%; 104 tuyến và nhánh tuyến chiếm 67,3% đạt 4 sao; 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao, chiếm tỷ lệ 7,84%, không có tuyến và nhánh tuyến bị đánh giá 2 sao và 1 sao.

Vinbus được đánh giá dẫn đầu về chất lượng trong số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xe buýt trên địa bàn Hà Nội

Vinbus được đánh giá dẫn đầu về chất lượng trong số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xe buýt trên địa bàn Hà Nội

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội nhận định, với kết quả trên cho thấy số lượng tuyến xe buýt đạt 5 sao rất cao. Tuy nhiên, do chỉ tiêu điều kiện tiên quyết không đạt nên nhiều tuyến xe buýt chỉ được xếp hạng 4 sao.

Hà Nội hiện có 11 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó đứng đầu là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus được chấm 85 điểm, xếp hạng doanh nghiệp 5 sao. Tiếp đến là Tổng công ty Vận tải Hà Nội được đánh giá 80 điểm…không có doanh nghiệp xếp hạng 3 sao, 2 sao và 1 sao.

“Qua kết quả đánh giá cho thấy, chất lượng dịch vụ xe buýt năm 2022 chưa cao và nhiều hạn chế”- Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Thái Hồ Phương nhận định.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác của dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội yêu cầu, các doanh nghiệp xe buýt rà soát, nghiên cứu phương án điều chỉnh luồng tuyến, dịch vụ một số tuyến xe buýt;

Đối với phương tiện của các tuyến buýt có niên hạn sử dụng từ 9-10 năm đề nghị tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt, đồng thời có kế hoạch đầu tư, đổi mới phương tiện;

Các đơn vị cũng cần tập trung đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, nhân viên phục vụ bài bản về thái độ và quy trình tác nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trên xe buýt; tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ trên tuyến…