Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ |
Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14-8, bà Lại Việt Anh cho biết, năm 2023, TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tiềm năng phát triển TMĐT còn rất rộng lớn, bởi TMĐT đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
TMĐT cũng đang là lĩnh vực tiên phong vì tỷ trọng trong tổng giá trị kinh tế số khoảng 20%. “Đây có thể chưa phải là quá chiếm mức tuyệt đối, nhưng sự lan tỏa thì vô cùng mạnh mẽ”- bà Lại Việt Anh nói.
Theo đại diện Cục TMĐT&KTS, hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động TMĐT cứ lan tỏa như thế trong người dân, người tiêu dùng; có sức hút rất mạnh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với các doanh nghiệp có quy mô lớn trong môi trường TMĐT.
Rào cản gia nhập trong môi trường điện tử lại thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là hướng ra thị trường nước ngoài, thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng quan điểm này, TS Võ Trí Thành- chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.
“Đằng sau là tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước. TMĐT là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực"”- ông Võ Trí Thành cho hay.
Theo ông Võ Trí Thành, sự phát triển của TMĐT không chỉ tác động đến tăng trưởng GDP mà còn có tác động tích cực đến thị trường lao động. Đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, chỉ riêng TPHCM có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của TPHCM.
Cả nước sẽ có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm TMĐT, qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu gián tiếp thì có lẽ hàng triệu.
Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi chúng ta có giám sát tốt hơn đối với hoạt động TMĐT. Riêng năm 2023, doanh thu của TMĐT là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Ngoài kinh doanh online, nhiều sàn điện tử cũng là một phần của TMĐT, một phần của bán lẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, TMĐT còn tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. TMĐT phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý, cùng với sự phát triển của TMĐT thì thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, có thể tạo ra những tác động không mong muốn. Đây là việc chúng ta phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, cần có chế tài về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất cho cả người bán và người mua.
PGS. TS Trần Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT-TT) cũng nhận định, không gian cho TMĐT ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở. Bộ TT-TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (trực tiếp là Cục Thương mại và kinh tế số) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.
Hiện nay, trên các sàn TMĐT nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng. Hàng năm có hơn 1,1 triệu các hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch TMĐT.
Cùng với chính sách phát triển TMĐT, các Bộ, ngành cũng đang phối hợp để đưa ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho hoạt động này phát triển lành mạnh.