- Những "lỗ hổng"... chết người trên cung đường "tử thần"
- Tai nạn khủng khiếp từ những đường ngang giao cắt
- Gần 6.000 đường ngang giao cắt với đường sắt: "Bẫy" tai nạn giao thông nghiêm trọng
Đường bê tông vừa hoàn tất đã vỡ nát
Đường bê tông vỡ nham nhở
Hạng mục bê tông hóa tuyến đường đê sông Nhuệ thuộc Dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ đi qua địa bàn xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì từ lâu đã là niềm mong mỏi của người dân sinh sống trên địa bàn. Trước đây, đường đê là đường đất cấp phối, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù, chưa kể ổ voi, ổ gà chi chít khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Từ khi dự án này khởi động, người dân trên địa bàn xã Tả Thanh Oai những tưởng nỗi khổ vì đường xấu đã qua, thế nhưng trái ngược với mong mỏi này, dự án trì trệ qua hơn 4 năm mới có thể hoàn thành.
Cụ thể, khởi công từ năm 2011 nhưng phải đến tháng 8- 2015, hạng mục bê tông hóa tuyến đường đê qua địa bàn thôn Thượng Phúc, thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai mới hoàn tất. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, tuyến đường mới bàn giao đưa vào sử dụng giữa năm 2015 đến nay nhiều chỗ đã vỡ nham nhở.
Ghi nhận của phóng viên ngày 31-10 cho thấy, tuyến đường đê vừa được bê tông hóa nhưng mặt đường nhiều đoạn đã bong tróc, lở lói. Từ thôn Siêu Quần đến thôn Thượng Phúc, một số đoạn còn phải san lấp tạm bằng đất đá. Khó có thể hình dung đây là tuyến đường đê vừa được bê tông hóa.
Ông Nguyễn Thế Toàn, ở Thượng Phúc, Tả Thanh Oai bức xúc: “Đường vừa đưa vào sử dụng hồi giữa năm 2015 mà đến nay đã nứt toác. Chúng tôi không thể hiểu được công trình thi công kiểu gì, chất lượng ra sao mà ra nông nỗi như vậy?”. Chưa hết, đoạn đường đê thuộc địa bàn thôn Thượng Phúc còn xuất hiện 1 vệt lún dài khoảng 20m, rộng 2m như muốn xé đôi tuyến đường.
Chiều 31-10 nhà đầu tư đã nhanh chóng sửa chữa, vá lỗi
Do xói lở và xe quá tải?
Trao đổi về dự án nói trên, ông Lưu Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai thông tin, dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, do UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư. Đầu năm 2011, dự án được triển khai.
Sau khi hạng mục kè bờ sông cơ bản hoàn thành, khoảng giữa năm 2014, hạng mục cải tạo, mở rộng trục đường chính qua thôn Thượng Phúc tiếp tục được triển khai. Đến năm 2015, gói thầu đoạn đường chạy qua thôn Thượng Phúc hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng.
Liên quan đến việc xuống cấp của tuyến đường qua địa bàn thôn Thượng Phúc, ông Lưu Đình Hùng cho biết, UBND xã đã nắm được và có báo cáo lên UBND huyện Thanh Trì. “Xã chỉ là đơn vị thụ hưởng công trình nên về chất lượng cũng như phương án xử lý, khắc phục như thế nào, xã đã báo cáo lên huyện. Vừa qua, đoàn kiểm tra của huyện cũng đã về đánh giá”, ông Lưu Đình Hùng cho hay.
Về nghi vấn của người dân liên quan tới chất lượng công trình, lãnh đạo xã Tả Thanh Oai cho biết: “Về cảm quan thì không thể đánh giá được công trình hư hỏng, do chất lượng hay yếu tố gì tác động, phải kiểm tra, đánh giá cụ thể mới đưa ra được kết luận chính xác”.
Cũng về dự án trên, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì kiêm Giám đốc Ban QLDA huyện Thanh Trì thông tin, dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ có mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến hư hỏng của tuyến đường, nguyên nhân lớn nhất là do phần gia cố mái sông không được kè liên tục (kè theo đoạn xung yếu - PV) nên nước sông đã “thúc” vào phần chưa được gia cố, rồi do sự thay đổi của dòng chảy gây xói lở, sụt lún, tác động đến chất lượng mặt đường bê tông.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, UBND xã Tả Thanh Oai đã không có biện pháp hạn chế xe quá tải trọng đi vào đường. UBND xã Tả Thanh Oai cũng không báo cáo kịp thời UBND huyện khi bắt đầu xảy ra hiện tượng lún, nứt đường để sớm có biện pháp khắc phục.
Trong ngày 1-11, Ban QLDA huyện Thanh Trì và đơn vị thi công đã nhanh chóng khắc phục lại mặt đường và xử lý lún tại trước đoạn đầu kè. Dự kiến, đến ngày 15-11 sẽ khắc phục xong.
Dù vậy, dư luận không khỏi băn khoăn, trong khi nguyên nhân của vụ việc đến ngày 2-11 mới được UBND huyện Thanh Trì báo cáo, làm rõ thì từ chiều 31-10, lực lượng thi công đã nhanh chóng cào bóc bỏ hết lớp bê tông ở những đoạn vỡ nát, xuống cấp để thay mới, còn đoạn kè bị sụt cũng đang được gia cố lại.
Tuy nhiên, tuổi thọ của tuyến đường đê này được dự báo khó bền, bởi theo ghi nhận, toàn bộ tuyến đường đê từ thôn Thượng Phúc tới thôn Siêu Quần dù mới được bê tông hóa nhưng phần lớn đã bị lún, nứt và nhiều đoạn đã được vá.