63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu đáng khích lệ về sự tham của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI

Nếu như năm 2021 chỉ có 52,4% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào cung ứng bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì con số này đã lên đến 63,3% trong năm 2022.

Ở một diễn biến khác, trong khi vai trò nhà cung cấp của khối doanh nghiệp nhà nước dường như giảm sút đôi chút thì tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ cung ứng bởi các hộ kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ mức 9,9% năm 2021 lên 13,4% năm 2022.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những con số này có thể đơn giản được coi là kết quả của quá trình phục hồi kinh tế về mức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự thu hẹp vai trò của các nhà cung ứng tại nước xuất xứ và nước thứ ba quan sát được qua các năm cho thấy các nhà cung cấp trong nước đã thực sự củng cố vị thế nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trung gian cho khối doanh nghiệp FDI.

Năm 2022, chỉ 30,5% doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước xuất xứ, mức thấp nhất từ trước đến nay và giảm mạnh từ mức đỉnh 58,7% vào năm 2016.

Dù vậy, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ chính đất nước của họ, với tỷ lệ tương ứng là 42,4%, 38,3% và 32,6%.

Theo báo cáo PCI 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022. Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%).

Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.

Dù khá e dè với các đầu tư mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng vốn đầu tư cho những dự án đang triển khai có hiệu quả tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư FDI điều chỉnh tăng đạt 10,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12,2% so với mức cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng của các dự án đầu tư tại Việt Nam, khá tương đồng với kết quả điều tra doanh nghiệp FDI mà chúng tôi sắp đề cập.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng đang có xu hướng dịch chuyển khỏi ngành may mặc.

Năm 2010, các doanh nghiệp dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất thì đến năm 2022 con số này đã giảm đáng kể. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp các ngành sản xuất máy tính, thiết bị điện tử và thông tin/truyền thông đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Có thể kể đến Samsung Electro-Mechanics với 2 lần tăng vốn lần lượt là 920 triệu USD và 267 triệu USD. Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE cũng được rót vốn thêm 841 triệu USD.

Các nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm điện tử và thông tin/truyền thông tại Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng nhận số vốn bổ sung lần lượt là 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.