ĐT Nam U23 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng SEA GAMES:

5 nguyên nhân thất bại ê chề

ANTĐ - Những nữ tuyển thủ vốn chẳng được ưu ái lắm tiền, nhiều quyền lợi với vô vàn sự quan tâm, chăm sóc như các nam tuyển thủ U23 quốc gia. Nhưng ngược lại, bóng đá nữ vẫn đường hoàng vào chung kết SEA Games sau những chiến thắng vang dội. Còn bóng đá nam là gì, nếu như không phải hai từ “chán ngán” đối với người hâm mộ. Hãy cùng An ninh Thủ đô điểm lại 5 nguyên nhân dẫn tới thất bại ê chề của những “con cưng” bóng đá nước nhà luôn được nuông chiều quá đà. 

Kỳ SEA Games đáng quên nhất trong lịch sử của U23 Việt Nam
Ảnh: BẰNG TƯỜNG

HLV thiếu cá tính

Rất nhiều vấn đề đã được cảnh báo khi HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt ĐT U23 Việt Nam lên đường đi SEA Games. Nhưng để yên lòng cả quân lẫn tướng, người ta đã tạm gác sang một bên. Tuy nhiên, thực tế thì cuối cùng mọi chuyện đã diễn ra đúng như những gì được cảnh báo. Ông Phúc là một HLV tốt, nhưng tốt thôi thì chưa đủ để xốc dậy cả  một đội tuyển. HLV Lê Thụy Hải, người thầy năm xưa của ông Phúc, sau trận U23 Việt Nam thua U23 Singapore, từng có một nhận xét rất xác đáng: “Đội tuyển với những cá nhân như hiện nay thì cần phải có một HLV cá tính mạnh để khích lệ, truyền lửa cho các học trò, nhưng anh Phúc thì không có điều ấy. Anh ấy là một người có chuyên môn, có đạo đức và sự khiêm nhường… nhưng như thế là chưa đủ. Chúng ta đừng bất ngờ nếu như U23 Việt Nam sẽ bị loại ngay từ vòng bảng”. 

Sai lầm từ khâu chuẩn bị

SEA Games là một giải đấu đặc biệt, vì nếu có đi đến trận chung kết hay tranh HCĐ, thì cũng chỉ có nhiều nhất là 6 trận. Nó khác so với việc một CLB đá giải trong nước, với hành trình dài. Sự chuẩn bị cho SEA Games tất nhiên cũng phải khác. Đằng này, các cầu thủ U23 phải tập trung đến vài đợt, trước cả năm trời, tốn kém tiền của và thời gian nhưng rồi cũng công cốc. Hầu hết các đội bóng tiến bộ trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan đều chỉ tập trung 1-2 đợt trong quãng thời gian sát SEA Games, sau đó tập chiến thuật ổn định và nhồi thể lực đủ để đá trong một chặng đường ngắn. Việt Nam thì làm ngược lại. 

Không có thủ lĩnh

Ở các kỳ SEA Games trước, bóng đá Việt Nam luôn tìm thấy một thủ lĩnh chơi nổi bật để đặt niềm tin, năm nay, ngay cả một người để hy vọng  cũng không khó. Đội trưởng Văn Quyết đã cho thấy chiếc băng đội trưởng dường như quá rộng trên cánh tay anh. Văn Quyết có thể là một tiền vệ hào hoa và sáng tạo, nhưng khi được đặt vào vai trò thủ lĩnh, anh lại hoàn toàn mờ nhạt và không thể cáng đáng được trọng trách. Mạc Hồng Quân, với kinh nghiệm chinh chiến ở châu Âu, cũng được hy vọng sẽ là thủ lĩnh trên hàng công. Nhưng rồi Quân cũng không có nhiều cơ hội chứng tỏ mình. 

Tận dụng cơ hội kém

Có một điều rất trớ trêu là trước những đối thủ yếu, các cầu thủ Việt Nam, với tâm lý thoải mái, dễ dàng thay nhau ghi bàn. Trong trận thắng 7-0 trước U23 Brunei ở lượt ra quân, có đến 6 cầu thủ ghi tên mình trên bảng điện tử. Nhưng bước vào những trận quan trọng như trước U23 Singapore hay U23 Malaysia, những chân sút ấy lại hoàn toàn lặn mất tăm. Cơ hội mà U23 Việt Nam tạo ra trong hai trận đấu quan trọng trên là không ít nhưng sự lạnh lùng và chính xác ở khâu cuối cùng, lại không có. Hay nói cách khác, khả năng tận dụng cơ hội của U23 Việt Nam là rất kém dù năng lực không phải yếu.

Lỗi “thượng tầng”

Thất bại U23 Việt Nam phơi bày toàn cảnh bộ mặt bóng đá Việt Nam ở thời điểm này. Nó phản ánh chính xác sự xuống cấp trầm trọng của “thượng tầng VFF”. Nó chứng tỏ sự hời hợt, lệch lạc của  bóng đá Việt Nam. Những sự tranh chấp, đấu đá nơi “thượng tầng” VFF cũng có tác động về mặt tâm lý rất lớn với thầy trò U23 Việt Nam. Và chừng nào chuyện này còn diễn ra, thì bóng đá Việt Nam sẽ còn hứng chịu những nỗi đau tương tự như ở SEA Games 27 này.