5 nguyên nhân lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu làm Nga "lo sốt vó"

ANTĐ -Nga đã phản đối kế hoạch Mỹ triển khai tên lửa phòng không đến sát biên giới nước này trong nhiều thập kỉ qua. Washington luôn nói rằng, hệ thống này không ảnh hưởng tới an ninh Nga nhưng Moscow lại có nhiều lí do chứng minh rằng, sự lo lắng của họ là có cơ sở.

Các khu phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) có thể được biến đối để phóng tên lửa Tomahawk

Hệ thống Mỹ triển khai đến châu Âu có tên “Aegis trên bộ”, vốn được lấy từ phiên bản hệ thống chống tên lửa đạn đạo Aegis trên các tàu chiến. Các tên lửa đánh chặn SM-3 sẽ được phóng từ một biến thể của ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk-41. Hệ thống phóng tương tự từng được hải quân Mỹ sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Tên lửa hành trình Tomahawk

Các chuyên gia Nga tin rằng, các hệ thống ABM ở Ba Lan và Romania có thể được bí mật biến đổi để phóng các tên lửa Tomahawk đe dọa Nga. Theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ bị cấm triển khai Tomahawk đến châu Âu.

Radar tại khu ABM sẽ liên tục theo dõi không phận Nga

Radar của các hệ thống ABM có tầm bao phủ rất rộng

Để khai hỏa các tên lửa đánh chặn, họ phải sử dụng những đài radar tối tân, và những khu ABM của Mỹ ở châu Âu có các loại thiết bị này. Chúng có thể theo dõi được một phần lớn không phận của Nga. Quân đội Nga chắc chắn không hề vui vẻ khi bị NATO giám sát mọi đường đi nước bước.

Các khu ABM hạn chế sức mạnh của Nga trong những xung đột quy mô nhỏ

Mỹ đúng khi nói rằng, một vài hệ thống đánh chặn ở châu Âu không thể ngăn nổi một đợt tấn công hạt nhân tổng lực của Nga, nhưng đối với những kiểu xung đột quy mô nhỏ bằng vũ khí thông thường, hệ thống phòng không này sẽ đe dọa tới máy bay và tên lửa chiến thuật Nga sử dụng.

Các tên lửa thử nghiệm của Mỹ vi phạm hiệp ước INF

Để thử nghiệm hệ thống phòng không của mình, Mỹ đã phát triển nhiều tên lửa làm mục tiêu giả định như Hera, LRALT hay MRT. Nga cho rằng, đây là các tên lửa vi phạm hiệp ước INF bởi vì chúng có đầu đạn nên cần bị cấm.

Mỹ từ chối mọi lời giải thích về những mối quan ngại của Nga

Tổng Thư kí NATO Jens  Stoltenberg (trái), Thủ tướng Romania Dacian Ciolosvà Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work (phải)

Trong nhiều thập kỉ qua, Nga đã đề xuất nhiều cách giải quyết mới nhằm giảm căng thẳng với Mỹ trong vấn đề tên lửa phòng không ở châu Âu. Moscow muốn có một loại radar mới đủ để giám sát Iran, không phải Nga. Ngoài ra, Moscow cũng muốn được thị sát khu ABM trên nhằm đảm bảo nó không đang vận hành hoạt đột chống lại quân đội Nga. Hoặc Moscow cũng đề xuất một hiệp định mới trong đó có các cơ sở pháp lí đảm bảo Mỹ không sử dụng hệ thống ABM trên làm tổn hại đến an ninh Nga.

Tuy nhiên, đến nay tất cả những lời đề nghị trên đều bị từ chối và Mỹ vẫn giữ nguyên kế hoạch triển khai tên lửa của mình.