Từ đầu năm 2014 đến nay, đây đã là lần thứ tư tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp Senkaku. Lần gần đây nhất, các tàu công vụ của nước này bị phát hiện hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư là ngày 2-2.
Theo Sở chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Vùng 11 có trụ sở tại Naha, Okinawa, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cảnh báo ba chiếc tàu trên của Trung Quốc không được đi vào vùng biển của Nhật Bản và một trong ba chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc đã phát loa phản hồi lại bằng cả tiếng Nhật và tiếng Trung rằng quần đảo Điếu Ngư là "lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc".
Tàu hải giám Trung Quốc
Quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo này. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản khẳng định rằng, những hòn đảo Senkaku là phần lãnh thổ không tách rời của Nhật Bản dưới góc độ lịch sử và luật pháp quốc tế.
Hồi tháng 9-2012, chính phủ Nhật Bản đã quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc chuỗi đảo này, gây nên làn sóng phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc, khiến quan hệ giữa hai nước cũng từ đó trở nên căng thẳng.
Đầu tháng 1 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch quốc hữu hóa khoảng 280 hòn đảo chưa rõ chủ sở hữu trong số 400 hòn đảo xa bờ nhằm củng cố an ninh quốc gia và tăng cường quản lý đối với vùng lãnh hải của nước này. Trong số 400 đảo này, khoảng 50 đảo có người ở và 350 đảo không có người ở.