17 năm tù oan

(ANTĐ) - Trước phán quyết của tòa phạt 50 năm tù giam, Martin Tankleff không ngừng lặp đi lặp lại những từ mà anh đã nói trong suốt gần hai thập niên qua: “Tôi vô tội. Tôi yêu cha mẹ tôi. Tôi không giết họ”. Sau 17 năm tù oan, đến tận cuối năm 2007, Martin Tankleff đã được trả tự do với kết luận: Vô tội.

17 năm tù oan

(ANTĐ) - Trước phán quyết của tòa phạt 50 năm tù giam, Martin Tankleff không ngừng lặp đi lặp lại những từ mà anh đã nói trong suốt gần hai thập niên qua: “Tôi vô tội. Tôi yêu cha mẹ tôi. Tôi không giết họ”. Sau 17 năm tù oan, đến tận cuối năm 2007, Martin Tankleff đã được trả tự do với kết luận: Vô tội.

Martin Tankleff và tấm ảnh hiện trường vụ cha mẹ anh bị sát hại

Martin Tankleff và tấm ảnh hiện trường vụ cha mẹ anh bị sát hại

Một ngày tháng 10-1990, tai cậu thanh niên Martin Tankleff như ù đi khi nghe phán quyết của tòa, chính anh là thủ phạm sát hại cha mẹ ruột của mình.

Đến ngày 27-12-2007, sau gần hai thập niên bị tù oan, cầm trong tay tờ giấy phép tại ngoại, người thanh niên bị buộc tội giết cha mẹ ruột của mình như được sống lại sau khi tòa tuyên bố bác bỏ tất cả những lời buộc tội trước đây.

Tại cuộc họp báo ở Manhattan hôm thứ 5 tuần trước, Martin, giờ đã 36 tuổi nói lời cảm ơn nhóm luật sư và những người thân đã bên anh suốt thời gian dài đau khổ qua. “Mỗi sáng thức dậy trong nhà tù, tôi biết rằng tôi đã không cô đơn trong cuộc đấu tranh này, tôi còn có những người thân, cô, dì, chú, bác, họ luôn bên tôi” – Martin nghẹn ngào. Martin cho biết anh sẽ tiếp tục con đường học hành và đã quyết định học trường luật.

Buổi sáng kinh hoàng

Đó là một buổi sáng ảm đạm cách đây 17 năm, Martin - con cưng của một gia đình thương gia giàu có không ngờ cuộc đời mình lại rẽ bước ngoặc lớn đến như vậy đúng vào ngày đầu tiên cậu bước vào trường trung học. 6h10, đang nằm trên giường trong khu biệt thự của giới tỉ phú tại Belle Terre, New York, Martin bỗng nhận thấy có rất nhiều ánh điện trong nhà bật sáng. Cậu đi vào phòng ngủ của bố mẹ, căn phòng không bật điện, trống rỗng. Chuông báo động cũng bị tắt. Linh cảm có chuyện không hay, cậu đi vào căn phòng nơi cha cậu, ông Seymour, 62 tuổi, thường chơi bài poke với những người bạn những đêm trước đó. Cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Cha cậu người đầy máu và bị bịt miệng. Ông Seymour Tankleff đã bị đánh mạnh vào đầu, cổ họng bị rách toạc. Tuy nhiên, ông có vẻ vẫn còn tỉnh.

Trấn tĩnh lại, Martin gọi 911, người trực tổng đài hướng dẫn cậu đặt nạn nhân nằm thẳng xuống sàn, nâng chân lên, lấy khăn tắm buộc chặt vết thương. Sau khi sơ cứu cho cha xong, Martin quay lại phòng ngủ của cha mẹ, cậu phát hiện mẹ mình nằm sõng soài trên sàn, bà đã chết. Giống như ông Seymour, bà Seymour cũng bị tấn công vào đầu, cổ họng bị cắt.

Lúc 6h25, đội cứu hộ mới đến nơi. Họ thấy Martin mặc áo ngắn tay, quần cộc, đang đứng ở đường lái xe vào nhà vẫy họ.

Thủ thuật thẩm vấn

Khi cảnh sát tới, Martin nói với họ về nghi ngờ của cậu đối với Jerry Steuerman - một đối tác làm ăn của cha cậu. Hai người vốn có những mối quan hệ công việc phức tạp. Thế nhưng, hướng điều tra của cảnh sát lại tập trung vào kẻ tình nghi là Martin Tankleff hơn là người bạn hàng của cha cậu. Theo báo cáo của cảnh sát, Martin dường như không có vẻ đau khổ, lo lắng như đáng lẽ vào hoàn cảnh của cậu phải vậy vào lúc cảnh sát tới. Và cậu cũng không tiến hành cầm vết thương cho cha cậu như hướng dẫn của người trực tổng đài 911.

Rốt cục, cậu bé 17 tuổi bị đưa về Sở cảnh sát Yaphank để thẩm vấn, tường thuật lại những gì cậu đã nhìn thấy như một nhân chứng. Tuy nhiên, sau đó, một thám tử điều tra các vụ án mạng đã đặt câu hỏi với Martin. Theo biên bản của cảnh sát, vị thám tử này đã lừa gạt Martin trong lúc hỏi cậu. Ông ta đã nói rằng ông Seymour Tankleff, cha của cậu chỉ bị hôn mê, nhưng giờ đã tỉnh sau khi được tiêm thuốc và tố cáo con trai mình là thủ phạm gây ra vụ giết người (Thủ đoạn này được chấp nhận như một cách thẩm vấn hợp pháp).

Khi cậu bé Martin hỏi lại rằng có phải cậu đã bị mất trí nhớ tạm thời và gây ra tội ác mà không hề biết mình đã làm hay không, ông này trả lời rằng điều đó hoàn toàn “có khả năng”. Martin sau đó đã “nhận tội” và đưa ra một số những phàn nàn nhỏ nhặt về bố mẹ cậu.

Các thành viên trong gia đình ngay lập tức đã thuê luật sư để bác bỏ sự nhận tội này. Tuy nhiên, cảnh sát đã tin vào lời nhận tội. Tháng   6-1990, Martin Fankleff bị kết tội giết chết cha mẹ và bị án 50 năm tù giam tại khu nhà giam Clinton, tầng số 4, nhà tù Dannemora, New York.

Thông thường, đó là dấu chấm hết cho câu chuyện đau buồn về bi kịch gia đình. Nhưng trường hợp của gia đình Tankleff lại không như vậy.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hà

(Theo NYD, FSB, MSNBC)