16 ngân hàng giảm 18.095 tỷ đồng lãi suất, đạt 87,78% so với cam kết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 của 16 ngân hàng cam kết là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dẫn đầu toàn hệ thống với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng.

Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.822 tỷ đồng (đạt 95,56% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,24 triệu tỷ đồng cho 236.864 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.382 tỷ đồng (đạt 93,94% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,31 triệu tỷ đồng cho 437.981 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 2.019 tỷ đồng (đạt 112,17% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,99 triệu tỷ đồng cho 834.397 khách hàng.

Như vậy, riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng trong 4,5 tháng qua đã đạt gần 14.400 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng lãi đã giảm.

Các ngân hàng đã sắp "cán đích" so với cam kết giảm lãi suất

Các ngân hàng đã sắp "cán đích" so với cam kết giảm lãi suất

Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giảm 612 tỷ đồng lãi cho khách hàng (đạt 40,94% so với cam kết); Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã giảm khoảng 357 tỷ đồng (đạt 104,09% so với cam kết);

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 440 tỷ đồng (đạt 44% so với cam kết); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là 592 tỷ đồng (đạt 84,57% so với cam kết); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) giảm 478 tỷ đồng (đạt 79,65% so với cam kết);

Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng giảm lãi cho khách hàng tổng cộng 221 tỷ đồng (đạt 100,85% cam kết); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín 285 tỷ đồng (đạt 63,34% cam kết); Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) 199 tỷ đồng (đạt 48,46% cam kết);

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 128,75 tỷ đồng (đạt 85,84% cam kết); Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) giảm 35 tỷ đồng (đạt 87,06% so với cam kết)...

Đáng nói, một số ngân hàng số tiền lãi đã giảm vượt khá xa so với cam kết. Như Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 155 tỷ đồng, đạt 310% so với cam kết. Hay Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) số tiền giảm là 193 tỷ đồng, đạt tới 345,23% so với cam kết.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc nhiều ngân hàng đã đạt và vượt cam kết giảm lãi suất đã thể hiện trách nhiệm cao, tinh thần đồng hành với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có ngân hàng chưa đạt, tỷ lệ giảm lãi suất còn thấp. “Chúng tôi đã công khai để dư luận đánh giá trách nhiệm của ngân hàng với cộng đồng, doanh nghiệp. Đây là một trong những biện pháp cứng rắn, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.