14 bộ, cơ quan không công khai thông tin ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đây là số liệu được đưa ra tại buổi công bố “Chỉ số Công khai ngân sách Bộ cơ quan Trung ương MOBI 2021”, diễn ra sáng nay, 18/10. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan còn chưa được cải thiện.

Khảo sát MOBI được thực hiện độc lập bởi hai tổ chức thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS). MOBI 2021 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 38 Bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được Ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ.

Trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.

Chỉ số công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể

Chỉ số công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể

Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương dù có sự cải thiện so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại. Cụ thể, điểm số trung bình MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020.

Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức Đầy đủ. Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 72,09 điểm, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở vị trí thứ ba với 59,09 điểm.

Về tính sẵn có: Kết quả khảo sát cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định. Có 30 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2021 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 68,2%), tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2020.

Tại thời điểm 31/3/2022, có 14 Bộ, cơ quan Trung ương (tương đương với 31,8%) không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Về tính kịp thời: Nhìn chung có sự cải thiện nhẹ nhưng không đáng kể, các Bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 23 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2022, chỉ có 7 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020.

Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2020, có 12 trên tổng số 20 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định. Các tài liệu còn lại gồm Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2021 chỉ được công khai đúng hạn bởi lần lượt 6, 7 và 7 đơn vị. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2021.

Về tính đầy đủ: Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, các tài liệu ngân sách được công khai chưa đầy đủ nội dung tại Thông tư 90/2018/TT-BTC, còn thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu…

Theo các chuyên gia, dựa trên kết khảo sát, có thể thấy việc công khai ngân sách nhà nước của các bộ ngành vài năm qua chưa thực sự được cải thiện.

Do đó, các chuyên gia cho rằng Quốc hội cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề.

Cùng với đó, Quốc hội cần xem xét hoạt động công khai NSNN của các Bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của Bộ, cơ quan Trung ương. Có thể xem xét mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách hàng năm.

Ngoài ra, Luật NSNN năm 2015 chưa quy định chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách như quy định tại Điều 15 của Luật. Do vậy, Quốc hội cần xem xét bổ sung chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật.