11.800 hộ gia đình tại Hà Nội đã được mua nhà ở xã hội

ANTD.VN - Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do Thủ tướng Chính phủ chủ trì diễn ra sáng 7-12, UBND thành phố Hà Nội báo cáo, tính đến hết tháng 11-2016, trên địa bàn Hà Nội có 36 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với gần 1.336.000 m2 sàn xây dựng nhà ở; đã bố trí, giải quyết chỗ ở cho 11.800 hộ gia đình.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ nhiệm vụ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên. Chính phủ cũng đã có Chiến lược quốc gia về nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Vì vậy, hội nghị toàn quốc lần này sẽ bàn về những vấn đề, công việc trong chỉ đạo thực hiện, những mô hình nào đã làm tốt, cần nhân rộng trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, có những cơ chế chính sách nào để các đơn vị có chức năng có thể làm nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, công nhân.

11.800 hộ gia đình tại Hà Nội đã được mua nhà ở xã hội ảnh 1

Quang cảnh hội nghị

“Hôm qua, trước khi dự hội nghị này, tôi và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có đến xem khu Đặng Xá, Hà Nội, do Viglacera làm chủ đầu tư. Có thể nói đây là khu rất điển hình, không chỉ là cách làm như nhà ở thương mại có, nhà ở cho thuê có, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người nghèo, người nghỉ hưu, tuổi cao chiếm tỷ lệ rất cao. Ở đó, người ta đã quy hoạch, thiết kế và xây dựng được một thiết chế văn hóa cho người dân trong một cộng đồng dân cư đoàn kết, an ninh trật tự tốt” - Thủ tướng nói đồng thời đặt câu hỏi: “Còn nhiều nơi ở miền Nam, miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ở mọi miền Tổ quốc có thể làm được như thế không. Tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được, nếu như các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương quan tâm, có cơ chế phù hợp để tổ chức xây dựng nhà ở xã hội”.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Tính đến tháng 11-2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ). Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Việc phối hợp giữa các bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ.

Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối. Việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê tuy có được ưu đãi hơn các phân khúc khác, nhưng còn rất chậm, do xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn hiện nay chủ yếu là vay thương mại ngắn hạn, tiền thuê nhà không đủ bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí tài chính. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở hơn là thuê, thuê mua, vì vậy việc phát triển mô hình nhà ở cho thuê, thuê mua còn nhiều khó khăn.

11.800 hộ gia đình tại Hà Nội đã được mua nhà ở xã hội ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với người dân khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh: Dân trí)

Tại Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng báo cáo kết quả, tính đến 31-11-2016, trên địa bàn Hà Nội có 36 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với gần 1.336.000 m2 sàn xây dựng nhà ở (trong đó có 5 dự án  nhà ở công nhân với 163.808 m2 sàn xây dựng) đã bố trí, giải quyết chỗ ở cho 11.800 hộ gia đình. Riêng năm 2016 giải quyết cho ở cho 1.613 hộ gia đình và 45.095 chỗ ở cho công nhân.

Trong các dự án trên, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm do Tổng Công ty Viglacera là chủ đầu tư, có vị trí thuận lợi gần các khu, cụm công nghiệp, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, giá bán căn hộ từ 8,68 đến 9,8 triệu đồng phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp, được Thành phố, Bộ Xây dựng đánh giá là mô hình khu nhà ở xã hội tập trung kiểu mẫu, chất lượng cao cần được nghiên cứu, nhân rộng.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Hà Nội có 40 dự án đang triển khai, với khoảng 3.288.277 m2 sàn xây dựng nhà ở, trong đó có 6 dự án  nhà ở công nhân, với khoảng 449.429 m2 sàn xây dựng nhà ở công nhân.

Tháng 7-2016, UBND Thành phố đã triển khai chuẩn bị đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo mô hình mới. Theo đó, giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô 249,87 ha (2 khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh trì; khu nhà ở xã hội tập trung xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với quy mô 96ha), đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối giao thông thuận tiện với các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND Thành phố tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự kiến từ nay đến năm 2020, 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng 1,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho Thành phố để giải quyết nhà ở cho nhân dân thủ đô, CBCNV của Thành phố, các cơ quan của Trung ương và lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể như, quy định dành 20% diện tích đất ở tại các dự án nhà ở thương mại (quy mô trên 10 ha) để phát triển nhà ở xã hội đã tạo ra các khu nhà ở xã hội nằm rải rác trong dự án nhà ở thương mại, gây áp lực về quy mô dân số (do diện tích căn hộ nhỏ), phát sinh bất cập trong việc quản lý và thu phí dịch vụ của khu đô thị. Trong khu đô thị, nhà ở xã hội được quy hoạch vào một khu, có suất đầu tư thấp hơn (do khống chế về giá bán) nên tạo ra một khu đô thị có chất lượng không đồng đều. Mặt khác, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng HTKT, hạ tầng xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thực hiện thường chậm.

Do không thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà bị khống chế nên tại một số dự án nhà ở xã hội (nhất là các dự án nhỏ lẻ) nhưng có lợi thế về vị trí, thương mại cao, giá nhà ở xã hội có chênh lệch lớn so với nhà ở thương mại cùng khu vực dẫn phức tạp trong việc bán nhà, quản lý đối tượng mua nhà.

Về vấn đề vốn, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước nên gặp khó khăn về nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư, Ngân hàng chính sách xã hội đã có hướng dẫn về hỗ trợ vốn vay nhưng nguồn vốn để cho vay chưa có nên chưa triển khai.

Tại một số dự án có trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để trục lợi như mua bán, đục thông 2 căn hộ liền nhau, cho thuê lại… Chủ đầu tư, Nhà nước khó khăn trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng, chấm dứt hợp đồng với các trường hợp sử dụng nhà không đúng mục đích.

Đối với nhà ở công nhân, tỷ lệ lấp đầy tại các khu nhà ở công nhân thấp, một số đã xây dựng xong nhưng chưa lấp đầy do thói quen một bộ phận công nhân muốn ở trong khu dân cư liên kề để giảm chi phí sinh hoạt. Các dự án nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu phục vụ cho các công nhân độc thân chưa lập gia đình (phòng ở tập thể mỗi phòng từ 8 đến 24 người), sau khi lập gia đình căn hộ trên không phù hợp dẫn đến bất cập về mô hình đầu tư. Các dự án nhà ở công nhân cho thuê nên thu hồi vốn chậm (15 năm), chưa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.

Trước những vướng mắc đó, bên cạnh việc đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, Thành phố Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế thu bằng tiền đối với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha để Thành phố tập trung vốn tạo quỹ đất “sạch”, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến ngoài hàng rào, xây dựng trường học, nhà trẻ công lập tại các khu nhà ở xã hội tập trung.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư... đều đánh giá cao ý nghĩa của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra, như: Các địa phương chưa có quy hoạch phát triển nhà ở xã hội một cách rõ ràng, minh bạch và lâu dài; chưa có quy hoạch nguồn đất sạch để phát triển các dự án nhà ở xã hội; việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà còn nhiều khó khăn...