Tham nhũng làm sức mạnh quân đội Trung Quốc yếu đi

ANTĐ - “Tham nhũng tràn lan làm sức mạnh quân đội Trung Quốc yếu đi và có thể dẫn đến thất bại trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra” - đó là lời cảnh báo của một số tướng của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nghỉ hưu, đang tại ngũ cùng giới truyền thông trong nước và quốc tế. 

Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn: Hai viên tướng đang 
bị truy tố về tham nhũng hối lộ trong quân đội Trung Quốc

Túi tiền hay đất nước? 

Theo Reuters, Trung Quốc hiện là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Lực lượng Quân giải phóng nhân dân (PLA) của nước này đang đẩy nhanh hiện đại hóa từ dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình cho tới sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh. Cũng nhờ hưởng nguồn ngân sách khổng lồ mà quân đội Trung Quốc đã không ngừng phô trương sức mạnh ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, việc khai trừ khỏi Đảng Cộng sản hai quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc là ông Từ Tài Hậu - cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và ông Chương Hữu Nhân - cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Quân sự An Huy do tham nhũng và nhận hối lộ càng làm dấy lên mối lo ngại về sự bất ổn trong quân đội nước này.

Trước đó, hồi đầu năm 2013, một trong những người được Tướng Hậu đỡ đầu là Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần PLA - bị kết tội tham nhũng. Vào đầu năm 2014, Trung Quốc cũng buộc tội tham nhũng với Trung tướng Gu Junshan, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần quân đội. Ông Gu Junshan bị truy tố các tội: bán hàng trăm vị trí trong quân đội, bỏ túi hàng triệu USD từ một vị trí vốn cho phép ông gây ảnh hưởng với việc bổ nhiệm và thực thi các hợp động liên quan tới đất đai do quân đội sở hữu. Nguy hiểm hơn, các chuyên gia và các tướng Trung Quốc lo ngại rằng, việc mua bán các vị trí cao cấp hay được một “suất” đứng trong lực lượng quân đội Trung Quốc đã, đang và sẽ dẫn tới tình trạng những người có năng lực sẽ bị gạt sang một bên.

Theo Bloomberg, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, song người dân nước này sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để lo lót, kiếm cho con em mình “một chân” trong hàng ngũ quân đội. Bởi chỉ tiêu tuyển quân hạn chế tại 31 tỉnh thành của Trung Quốc, trong khi tỉ lệ trượt rất cao trong các bài kiểm tra thể lực. Nếu “chạy chọt” thành công, việc phục vụ trong quân đội sẽ đảm bảo cho con em họ một nghề nghiệp ổn định cũng như một con đường để thoát ly khỏi nông thôn.

Ông Wang - một sĩ quan tuyển quân tại Giang Tô cho biết: “Bạn bè hỏi tôi về “giá sàn” hiện nay và tôi nói với họ rằng mức giá đó dao động 80.000 - 90.000 NDT. Nếu có quan hệ tốt, họ chỉ tốn khoảng 50.000 NDT một suất, nhưng nếu quan hệ chỉ bình thường, họ có thể phải chi ít nhất 100.000 NDT”.

Chưa dừng lại, sau khi đã vào được quân đội, những người lính này sẽ lại tiếp tục phải chi ra một khoản tiền lớn để được đề bạt, thăng cấp. Năm 2013, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết một học sinh ở Hồ Nam tên là Wang Qian đã được sĩ quan tuyển quân gợi ý “chạy” 100.000 NDT để được nhập ngũ. Nhưng khi chưa nộp đủ số tiền theo yêu cầu nên giấy gọi nhập ngũ của Wang đã bị thu hồi.

Lực lượng yếu đi

Trong một bài viết của tác giả Miles Evers đăng trên National Interest trung tuần tháng 7 vừa qua nhận định, kẻ thù địa chính trị lớn nhất của Trung Quốc không phải là Nhật Bản, không phải Nga, thậm chí càng không phải là Hoa Kỳ. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của quân đội nước này chính là nạn tham nhũng, hối lộ. Tác giả cũng cho rằng, tham nhũng đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới luật pháp và lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù tăng trưởng thương mại rất cao nhưng hối lộ lại diễn ra ở tất cả các cấp thẩm quyền chính trị và quân sự. Hàng năm, Trung Quốc phải trải qua gần 200.000 cuộc biểu tình công khai chống lại cơn “sốt” nhà đất, suy thoái môi trường, hối lộ và các hoạt động trái phép khác.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ngày càng phình ra do yêu cầu bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh bắt đầu phải nghiêm túc đặt câu hỏi: liệu quân đội nước này đang bảo vệ cái gì hơn: túi tiền hay đất nước của họ.

Nặng lời hơn, Thiếu tướng Luo Yuan - một trong những vị tướng có tiếng ở Trung Quốc gửi thông điệp cảnh báo trên tờ báo điện tử The Paper (trụ sở ở thành phố Thượng Hải) hồi tuần trước rằng: “Dù bạn có chi bao nhiêu tiền cho quân đội chăng nữa thì nó cũng không đủ nếu vẫn còn những quan chức tham nhũng. Số tiền các quan chức tham nhũng như Từ Tài Hậu và Gu Junshan là hàng trăm triệu đô hay hàng tỷ nhân dân tệ. Bao nhiêu chiến đấu cơ có thể chế tạo với số tiền đó? Nếu tham nhũng không bị chặn đứng chúng ta sẽ bị đánh bại trước khi ra trận”.