Thảm họa QZ8501: Đình chỉ công tác 7 quan chức nghi ngờ tham nhũng

ANTĐ -Indonesia đã đình chỉ công tác của 7 quan chức, bị nghi ngờ liên quan tới việc nhận tiền để phê duyệt cho những chuyến bay không có trong kế hoạch bay. Trong đó, có thể bao gồm việc cho phép chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia trên tuyến đường từ  Surabaya-Singapore vào ngày 28-12 mà không có giấy phép. 

Thảm họa QZ8501: Đình chỉ công tác 7 quan chức nghi ngờ tham nhũng ảnh 1Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm
Ngày 6-1, Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết, họ đã ra lệnh đình chỉ công tác một loạt các quan chức hàng không, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt bất kỳ hãng hàng không trong nước nào vi phạm giấy phép hoạt động.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ làm việc với Ủy ban chống tham nhũng (KPK) để làm theo đuổi vấn đề này đến cùng và có thể sẽ tăng mức phạt đối với các quan chức trên nếu phát hiện ra các sai phạm khác.

Trao đổi với các phóng viên, Bộ trưởng GTVT Indonesia, Ignasius Jonan nói: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức, nếu KPK tham gia vào cuộc điều tra này”.

7 quan chức bao gồm: 2 người từ Bộ GTVT, 2 người từ ban điều hành sân bay quốc tế PT Angkasa Pura I (hay còn gọi là sân bay Juanda) của Surabaya, và 3 người từ Ban điều hành chuyến bay quốc gia của Indonesia (AirNav Indonesia).

Hadi Djuraid, một nhân viên đặc quyền của Bộ GTVT cho biết, 7 quan chức trên đã bị đình chỉ công tác do có liên quan tới việc giúp AirAsia Indonesia  khinh thường quy định cấp giấy phép bay. Họ đã cho phép máy bay QZ8501 cất cánh vào hôm chủ nhật (28-12) trong khi đó, theo kế hoạch, nó chỉ được bay vào các ngày thứ 2, thứ 3 và thứ 7 trong tuần.

Hiện Indonesia đang tiếp tục điều tra xem là các quan chức trên có liên quan đến vấn đề tham nhũng trong vụ QZ8501 hay không?

Tuy nhiên, ngay lập tức AirNav Indonesia đã lên tiếng phủ nhận rằng, các quan chức của họ đã nhận hối lộ để thay đổi lịch trình chuyến bay của họ.

Hôm 6-1, Wisnu Darjono, Giám đốc An toàn và Tiêu chuẩn của AirNav Indonesia khẳng định: “Không có bất kỳ khoản tiền nào trong vụ việc này và nếu có, chúng tôi sẽ bắt tay hành động để giải quyết vụ việc trên. Ông tiếp tục nói: “Các quan chức hoàn toàn trong sạch. Hãy nhìn vào khuôn mặt ngu ngơ của họ. Họ không thể có rất nhiều tiền được”.

Tương tự vậy, tổng giám đốc của sân bay Angkasa Pura, Trikora Hardjo cũng phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào trong vụ QZ8501. Ông nhấn mạnh: “Tôi sẽ chứng minh rằng sân bay Juanda đã không nhận được chút tiền nào dù chỉ là 1%”.

Ông Trikora buồn bã nói rằng, ông rất buồn khi con gái hỏi: “Bố đã nhận được bao nhiêu trong vụ việc này?”.

Cũng trong ngày 6-1, Bộ trưởng Jonan thông báo, ông chủ hãng AirAsia, Tony Fernandes  đã thừa nhận hãng không nhận được giấy phép đối với tuyến đường Surabaya-Singapore vào ngày chủ nhật và chấp nhận quyết định đình chỉ tuyến bay này sau vụ QZ8501.

Trên biển Java, đội tìm kiếm và cứu hộ đã trục vớt thêm 2 thi thể, nâng tổng số nạn nhân được tìm thấy lên 39. Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác vị trí của hộp đen.

Phát biểu tại Pangkalan Bun, Chỉ huy lực lượng vũ trang của Indonesia, ông Moeldoko cho hay, ông đã tự mình nhìn thấy những điều kiện khó khăn trên biển, sau khi trực tiếp thị sát hiện trường vụ tai nạn. Ông đã một lần nữa đề nghị giúp thân nhân của các nạn nhân xấu số, tiếp cận hiện trường vào bất cứ ngày nào để theo dõi hoạt động tìm kiếm.