Nội bộ EU bất đồng về vấn đề trừng phạt Nga

ANTĐ - Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Nga và Ukriane đã có cuộc họp bàn tại Berlin vào hôm 13-4 để họp bàn về việc áp dụng thoả thuận Minsk về giải quyết xung đột ở Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã liên hệ trừng phạt EU-Nga, vốn sẽ yêu cầu bỏ phiếu lại vào tháng 6, với hiệp định Minsk ở Ukraine. Ông Tusk đang làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande về một dự thảo trừng phạt mới của khối EU mà ông tin rằng sẽ được lãnh đạo 28 nước trong liên minh ủng hộ.

Ngoại trưởng 4 nước Nga, Đức, Ukraine và Pháp đã có cuộc họp bàn tại Berlin vào hôm 13-4 

“Định hướng của đề xuất sẽ nhằm đến việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa việc áp dụng thoả thuận Minsk với vấn đề trừng phạt Nga”, một quan chức của EU nói với báo giới.

Tuy nhiên điều này có nghĩa là nhiều khả năng trừng phạt sẽ phải kéo dài đến cuối năm do thoả thuận Minsk quy định hạn chót để Ukraine được lấy lại quyền kiểm soát biên giới là một năm.

Hiện các chính phủ của khối EU cần thống nhất với nhau về một chính sách trừng phạt mới nhằm Nga trước khi lệnh cấm vận hết hạn vào tháng 7.

Theo đánh giá của các nhà phân tích ở trung tâm do thám toàn cầu Strafor, nội bộ EU đang chia rẽ sâu sắc vì vấn đề này: “Các quan chức từ Hungary, Bulgari và Cộng hoà Séc lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của lệnh trừng phạt, trong khi các lãnh đạo đến từ Đức và Ý đã cảnh báo rằng lệnh trừng phạt có thể gây thiệt hại cho xuất khẩu sang Nga, từ đó gây ra tỉ lệ thất nghiệp gia tăng ở những nước này”. 

Những quốc gia ở phía bắc châu Âu, gần với lãnh thổ Nga như Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đang có thái độ cứng rắn với Moscow, trong khi chính phủ ở các nước Trung và Đông Nam Âu lại tỏ ra dễ dàng hơn do trên thực tế, họ không hề có một mâu thuẫn trực tiếp với Moscow.

Theo các chuyên gia từ Strafor, các nước như Hungary, Bulgari và Cộng hoà Séc đang tìm cách cân bằng giữa trách nhiệm thành viên của EU và NATO với quyền lợi khi hợp tác với Nga. Đây là lí do họ thường chỉ trích công khai hay vận động giảm nhẹ trừng phạt Nga, tuy nhiên lại im lặng ngả theo quyết định chung của EU.