Vụ rơi máy bay của TransAsia Airways Đài Loan

Những người sống sót kỳ diệu

ANTĐ - Chỉ trong vòng vài giây, thảm kịch đã xảy đến với chuyến bay của hãng TransAsia Airways, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cho rằng, 15 người may mắn sống sót trong sự cố này là nhờ sự dũng cảm của hai phi công.

Những người sống sót kỳ diệu ảnh 1Lực lượng cứu hộ nỗ lực cứu các nạn nhân vụ rơi máy bay 

10 giây chao đảo 

Một nhân chứng tên Ngô kể lại, khi ông  đang ở tầng thứ 25 của tòa nhà nơi ông làm việc thì thấy chiếc máy bay ATR72-600 của hãng hàng không TransAsia Airways chao đảo rồi lao xuống sông Cơ Long ở Đài Bắc. "Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra từ 5 tới 10 giây. Tôi trông thấy máy bay đâm vào cây cầu và rơi xuống sông. Lúc đó nước sông chảy xiết", ông Ngô nói. Trong khi đó, camera trước xe hơi của một nhân chứng đã ghi lại khoảnh khắc máy bay mang số hiệu GE235 chở 58 hành khách liệng nghiêng về bên trái trước khi lao xuống sông, hàng loạt mảnh vỡ bắn tung tóe. Một nhân chứng khác cho biết, nhiều mảnh vỡ máy bay rơi trúng một xe taxi của hãng Volkswagen, khiến lái xe bị thương ở đầu và phải tới bệnh viện gần đó. 

Trong số những hành khách sống sót, may mắn hơn cả phải kể đến gia đình anh Lâm Minh Uy. Anh  Lâm cùng vợ và con trai 2 tuổi Nhật Diệu nằm trong số 15 người sống sót trong thảm kịch máy bay GE235. Không ai trong số 3 thành viên gia đình này bị thương nặng.

Trước khi máy bay TransAsia Airways cất cánh tại sân bay Tùng Sơn (Đài Bắc) đến đảo Kim Môn, gia đình anh Lin ngồi bên dãy trái của chiếc ATR-72. Vì sợ tiếng ồn làm con trai khóc, anh xin đổi sang hàng ghế trống bên dãy phải phía sau nhưng không ngờ, việc đổi chỗ này đã cứu cả anh cùng vợ con.

Theo lời anh Lâm, máy bay đã rơi sau khi cất cánh khoảng 3 phút vào lúc 11h sáng 4-2. Khi tai nạn xảy ra, ông bố 38 tuổi này nhanh chóng thoát ra khỏi cửa máy bay, cứu vợ và con trai khi cậu bé đang chới với dưới nước. Ngay sau đó, anh Lâm đã hô hấp nhân tạo kịp thời để cứu con. Theo bệnh viện thành phố Đài Bắc, anh Lâm là người sống sót duy nhất không cần điều trị trong viện. Vợ anh phải phẫu thuật trong ngày 5-2 vì gãy xương, còn con trai anh dù không bị thương nặng nhưng vẫn đang được theo dõi đặc biệt. 

“Tôi bò ra ngoài, người đầy vết thương, xung quanh toàn nước. Tôi nghĩ mình đã chết rồi”, cô Hoàng Kim Á, 26 tuổi, nữ tiếp viên may mắn sống sót kể. Cô Hoàng Kim Á đáng lẽ cũng có mặt trên chuyến bay gặp nạn hồi tháng 7 của TransAsia Airways, tuy nhiên cô đã đổi ca trực với đồng nghiệp nên may mắn thoát chết. Đối với cô, lần thoát chết thứ hai này đúng là kỳ diệu. 

Hai phi công anh hùng 

Hình ảnh mà camera giao thông ghi lại được cho thấy, phi công của chiếc máy bay ATR 72-600 đã cố điều khiển nó tránh các tòa nhà cao tầng cạnh sông Cơ Long để hạn chế tối đa thương vong trong vụ tai nạn này. Các chuyên gia hàng không cũng ngợi ca cơ trưởng Liêu Khương Trung và cơ phó Lưu Tự Trung khi họ cố gắng lái máy bay lao xuống nước để tăng cơ hội sống sót cho hành khách và phi hành đoàn. Thật không may, cả hai phi công nằm trong danh sách 31 người thiệt mạng trong vụ tai nạn này.

“Phi công quyết định hạ cánh xuống khúc sông hẹp, không có nhà dân vì các khu vực khác đều có người. Anh ấy đã làm tất cả những gì có thể. Tôi thấy cơ trưởng GE235 đúng là một anh hùng”, ông Liêu Linh Huy, một chuyên gia hàng không của Đài Loan, khẳng định. Cùng quan điểm này, ông Vương Thương Chí, chuyên gia hàng không ở Trung Quốc đại lục đánh giá, quyết định cho máy bay rơi xuống sông là một hành động vô cùng dũng cảm của các phi công. Mặc dù ông Lâm Chí Minh, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Dân dụng Đài Loan vẫn chưa đưa ra bình luận gì trước khi có kết quả điều tra chính thức (dự kiến công bố ngày 6 hoặc 7-1), tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, nguyên nhân tai nạn có thể do lỗi kỹ thuật.

Dựa trên dữ liệu tại trạm không lưu, thông tin liên lạc cuối cùng từ phi công là: “Cấp cứu, cấp cứu, động cơ gặp sự cố”. Lỗi động cơ xảy ra khi quá trình cung cấp nhiên liệu cho động cơ gặp gián đoạn hoặc động cơ bị cháy. Tuy nhiên, máy bay gặp nạn được trang bị hai động cơ Pratt & Whitney PW127M của Tập đoàn công nghệ United Technologies. Nếu một trong số chúng ngừng hoạt động thì phi cơ vẫn bay được. Hiện 2 hộp đen của máy bay đã được tìm thấy và đã được đưa đi phân tích. Đây là vụ tai nạn máy bay thứ hai của TransAsia Airways trong vòng 7 tháng qua. Trước đó, chuyến bay GE222 rơi hồi tháng 7-2014 do gặp bão lớn tại đảo Bành Hồ, làm 48 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Không từ bỏ hy vọng tìm được người sống sót

Hôm qua 5-2, lực lượng cứu hộ Đài Loan vẫn không từ bỏ hy vọng tìm thấy 12 hành khách mất tích của chuyến bay GE235. “12 người còn đang mất tích nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ hy vọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm”, ông Yeh Chun-hsing, một quan chức trong lực lượng cứu hỏa Đài Bắc cho biết. 20 nhân viên cứu hộ và 60 người nhái được huy động để tìm kiếm.
Trước đó, lúc 20h tối 4-2, phần xác máy bay đã được đưa lên bờ trong tình trạng hư hại nghiêm trọng. Không còn người sống sót trong khoang hành khách. Nhiệt độ ban đêm ở Đài Bắc xuống chỉ hơn 10 độ C, ước tính cơ hội sống sót của những người mất tích rất mong manh.