Nếu Nga đồng ý bán, Trung Quốc sẽ “đẻ” ra nhiều Su-35 con

ANTĐ - Tạp chí “Học giả ngoại giao” (The Diplomat) của Nhật bình luận, trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng nhiều lần ăn cắp công nghệ quốc phòng của Moscow. Nếu Nga đồng ý bán Su-35 cho Trung Quốc thì trong tương lai Nga có thể mất rất nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khẩu vì các “Su-35 con”

Hãng tin Nga Itar-Tass cho biết, bên lề triển lãm hàng không Dubai, ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Rostech-Nga, cho biết, hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 sẽ không được ký kết trong năm nay. Ông tiết lộ: “Năm nay hợp đồng sẽ chưa ký kết, hai bên vẫn còn tiếp tục các cuộc thương thảo về giá cả”. Lần đầu tiên xuất hiện thông tin Trung Quốc có ý định mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga là vào năm 2012.

Một nguồn thạo tin của Nga cho biết, hợp đồng mua bán 24 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 có thể được ký kết vào năm 2014, thời gian bắt đầu thực hiện hợp đồng có thể vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Hiện 2 bên đang đàm phán về các yêu cầu riêng Trung Quốc đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Su-35 phiên bản Trung Quốc, chứ không sử dụng thuần túy phiên bản Su-35 của Nga.

Về vấn đề Moscow chuẩn bị ký kết hợp đồng bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Bắc Kinh, tạp chí “Học giả ngoại giao” (The Diplomat) của Nhật bình luận, xét về quá khứ, Trung Quốc đã từng nhiều lần ăn cắp công nghệ quốc phòng của Nga thì Moscow hiện đang có một hành động làm nhiều người khó hiểu, họ chuẩn bị đem những công nghệ chế tạo vũ khí tốt nhất của mình giao vào tay Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga

Bài báo cũng lật lại quá khứ, Nga đã từng bán số lượng lớn các máy bay chiến đấu Su-27 cho Trung Quốc. Năm 1992, Bắc Kinh đã từng bỏ ra 1 tỷ USD mua sắm loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất lúc bấy giờ, có lúc đã chuẩn bị hợp đồng mua sắm tới 200 chiếc. Nhưng sau đó, Moscow đã cáo buộc Bắc Kinh cố ý phá hợp đồng, tự chế tạo phiên bản nhái của Su-27 là J-11 và J-11B, làm cho hiệp định buôn bán giữa 2 bên tan vỡ.

Ngày hôm nay Nga bán Su-35 cho Trung Quốc không khác gì hợp đồng ngày trước họ bán Su-27, Bắc Kinh hy vọng Moscow sẽ chế tạo một số chi tiết theo yêu cầu riêng của họ, đồng thời xây dựng một trung tâm sửa chữa bảo dưỡng lớn ở Trung Quốc, các chuyên gia Nga sẽ trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng các nhân viên kỹ thuật Trung Quốc có đủ trình độ sửa chữa, duy tu máy bay chiến đấu Su-35.

The Diplomat phân tích, về cơ bản do không có chế tài xử lý vụ Trung Quốc nhái Su-27 nên Nga đã “cống hiến” rất nhiều tri thức công nghệ chế tạo máy bay cho Trung Quốc, mất trắng hàng trăm chiếc máy bay. Đối với Bắc Kinh mà nói, Su-35 có khả năng tác chiến trong thời gian rất dài tại các khu vực đang tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông nên nhu cầu muốn mua là rất cấp bách. Nếu lần này Nga lại sơ xuất trong thương vụ mua bán Su-35, rất có thể chuyện cũ sẽ tái hiện.

Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các dòng máy bay chiến đấu giá rẻ, trong tương lai Nga có thể mất rất nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khẩu vì các “Su-35 con”. The Diplomat nhắc nhở người Nga: “Moscow và Bắc Kinh không thống nhất về lợi ích chung, nếu có một ngày người Nga buộc phải cạnh tranh và đối phó với chính những công nghệ họ đã từng cho không Trung Quốc, đó sẽ là điều hối tiếc lớn nhất của họ”.