Trung Quốc bất an khi Pakistan trang bị hệ thống vũ khí hạt nhân mới

ANTĐ - Quân đội Pakistan sắp trang bị hệ thống vũ khí hạt nhân tấn công từ biển và trang bị loạt đầu tiên về vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược và  công nghệ Nga - Vasiliy Kashin cho rằng,  Islamabad trang bị hệ thống vũ khí mới có thể dẫn đến sự lo ngại của các quốc gia trong khu vực trong đó có Trung Quốc.  

Việc đầu tiên mà Pakistan có thể làm đó là trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình tầm gần mang đầu đạn hạt nhân. Mục đích bố trí vũ khí hạt nhân phóng từ biển là nhằm hóa giải nguy cơ tấn công của vũ khí đối phương.

Đồng thời, bổ sung cho sự thiếu hụt về mặt số lượng và chất lương của hệ thống vũ khí thông thường so với nước láng giềng Ấn Độ. Pakistan là nước chưa hề có cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”, do đó trang bị những loại vũ khí này có thể là một biện pháp để bảo vệ họ khi xảy ra chiến tranh quy mô lớn.

                    Pakistan sẽ trang bị tên lửa đạn đạo với số lượng nhất định

Vũ khí hạt nhân của Pakistan luôn là chủ đề làm cho cả thế giới lo ngại. Nếu lần này Islamabad trang bị và bố trí hệ thống vũ hạt nhân mới, có thể sẽ làm gia tăng sự lo ngại của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc có cảm giác không an toàn.

Vậy tại sao Bắc Kinh, nước bạn bè gần gũi nhất của Pakistan lại cảm thấy bất an khi  Islamabad trang bị hệ thống vũ khí hạt nhân mới phóng từ biển? Theo báo cáo, phần lớn các cuộc tấn công của phần tử cực đoan Hồi giáo đều nhằm vào các mục tiêu quan trọng của quân đội, với sự quản lý lỏng lẻo của Pakistan có thể sẽ dẫn đến loại vũ khí hạt nhân này rơi vào tay các phần tử khủng bố, hậu họa sẽ khôn lường.

Ngoài ra, phía quân đội Pakistan cũng có không ít người ủng hộ các phần tử cực đoan. Chính vì thế, việc trang bị vũ hí hạt nhân là một việc làm hết sức nguy hiểm đối với những nước lân cận. Nhất là Trung Quốc, gần đây nước này liên tiếp xảy ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu ở trong nước, chính vì thế Bắc Kinh lo ngại cũng là lẽ thường tình.

                        Tên lửa chống hạm C-802 đang được phóng đi từ tàu chiến

Ngày 6-9, thành viên tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã có ý định bắt cóc tàu hộ vệ “Zulfiqar” của hải quân Pakistan, để sử dụng hệ thống tên lửa chống hạm trên con tàu này tấn công hải quân Mỹ tại Ấn Độ Dương. Trong vụ việc này có một số quan chức hải quân Pakistan được cho là đã thông đồng với các phần tử khủng bố.

Nếu như tàu hộ vệ “Zulfiqar” bị các phần tử khủng bố bắt cóc thành công, thì 8 quả tên lửa Type C-802 được trang bị trên con tàu này sẽ tạo ra hậu quả rất nghiêm trọng, vì nó có thể tấn công được các mục tiêu ở cự ly cách xa từ 120-300 km.

Việc Pakistan chuẩn bị trang bị lô đầu tiên vũ khí chiến thuật (tên lửa tầm gần mang đầu đạn hạt nhân), đây là loại vũ khí dễ sử dụng hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung. Nó có tính cơ động cao, rất khó để phát hiện. Chính vì thế, hệ thống vũ khí này cũng là một trong những mắc xích dễ bị các phần tử khủng bố lợi dụng và là mục tiêu để các phần tử này xâm nhập vào quân đội và các cơ quan đặc biệt của Pakistan để lấy cắp.

Như vậy, những quốc gia sát với Pakistan, bất luận có quan hệ chính trị với nước này như thế nào, đều có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro về việc các phần tử khủng bố và tội phạm ăn cắp vũ khí hạt nhân của quân đội Pakistan, sau đó tấn công những nước mà chúng coi là kẻ thù.

Mặc dù Bắc Kinh là nước bạn bè gần gũi với Pakistan, nhưng chắc chắn Trung Quốc cũng phải lựa chọn các biện pháp đặc biệt trong lĩnh vực phòng không và chống hạm để bảo đảm an toàn cho các thành phố phía tây của mình. Đồng thời, họ cũng sẽ tăng cường giám sát khả năng công nghệ hạt nhân nội địa của Pakistan một cách chặt chẽ hơn.