Chiến đấu cơ F-35 gặp sự cố với khả năng ném bom SBD II

ANTĐ -  Không như phiên bản vũ khí điều khiển từ xa trước, bom đường kính nhỏ II (SDB II) có khả năng theo dõi và bắn trúng mục tiêu di động trong tầm tấn công 64 km và nó sẽ được đưa vào biên chế từ năm 2017. Tuy nhiên, chiến đấu cơ tàng hình F-35 lại không có một phần mềm thích hợp để vận hành loại bom này cho tới năm 2022.

Sự chậm trễ này sẽ giảm khả năng hỗ trợ các lực lượng mặt đất của F-35 và làm dấy lên câu hỏi rằng liệu chiếc máy bay hiện đại này có thể thay thế được A-10 Warthog nếu quốc hội cho phép không quân Mỹ ngừng sử dụng nó.

Chiến đấu cơ F-35 gặp sự cố với khả năng ném bom SBD II  ảnh 1Chiến đấu cơ F-35B có khả năng cất cánh với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng 

Các lãnh đạo không quân có ý định ngừng sử dụng A-10 vào tháng 2-2019 và tập trung mọi nguồn lực để phát triển F-35.

SDB II cũng sẽ không thể lắp đặt trên F-35B, phiên bản dành cho lính thuỷ đánh bộ, nếu chiếc máy bay không được nâng cấp khu vực trang bị vũ khí.

Lockheed Martin thiết kế F-35B với mục đích mang theo 8 bom SDB II bên trong khoang chứa vũ khí nội bộ. Loại bom này có thể thay đổi hành trình trong chuyến bay mà vẫn tấn công với độ chính  xác tuyệt đối. Tuy nhiên, hiện F-35B chỉ có thể mang được tối đa 4 quả bom này do nó có khoang chứa tên lửa nhỏ hơn nhiều so với phiên bản F-35A và F-35C để nó có thể cất cánh chỉ với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng không tỏ ra vội vàng cho những thay đổi trên do loại vũ khí này cũng không thể hoạt động nếu phần mềm thích hợp chưa được cài đặt trên hệ thống điều khiển. Theo Inside Defense, hiện phần mềm Block 4 cho F-35 sẽ không thể điều khiển vũ khí mới cho đến năm 2022.

SDB II sử dụng một hệ thống dẫn đường có tên “thiết bị tìm kiếm 3 chế độ”, với khả năng hướng vũ khí đến mục tiêu bằng radar bước sóng milimet, tia hồng ngoại và công nghệ laze bán chủ động.

“Trên thực tế, trong những cuộc chiến tầm gần của lính bộ binh, thử thách đặt ra là phân biệt được kẻ thù và đồng đội do lúc đó tất cả đều đang ở rất sát nhau và chúng ta vẫn phải hỗ trợ binh sĩ của mình vào thời điểm đó. Chúng ta cần một loại vũ khí nhanh, chính xác và có thể kiểm soát được kết quả”, chỉ huy lực lượng không quân chiến đấu, Tướng Herbert Carlisle cho hay.

Dự án phát triển F-35 đã tiêu tốn 400 tỉ USD và đang là chương trình phát triển máy bay đắt đỏ nhất lịch sử quân đội Mỹ. Tuy nhiên, nó lại đang gặp nhiều vấn đề như phần mềm điều khiển súng máy của F-35 sẽ không thể sử dụng cho tới năm 2019, Lầu Năm Góc đã từng phải ban bố lệnh ngừng bay thử nhiều lần do những vấn đề với động cơ và nó dễ dàng bị phát hiện trên radar mặc dù mang danh nghĩa là máy bay tàng hình.