Vẫn khó tiếp cận thông tin đất đai

ANTĐ - Nghiên cứu Công khai thông tin quản lý đất đai do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng qua (12-12) chỉ ra rằng, những cải cách trong vài thập kỷ vừa qua đã giúp cải thiện tình hình công khai thông tin liên quan đến các vấn đề đất đai. Tuy nhiên, ở một vài nơi, công chức có trách nhiệm vẫn không cung cấp thông tin theo quy định. 

Vẫn khó tiếp cận thông tin đất đai ảnh 1Người dân xem thông tin về đất đai tại Cung triển lãm Quy hoạch Quốc gia

Từ chối cung cấp

Thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Bộ nhận được khoảng 4.000 lượt đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó, khoảng 98% số đơn thư thuộc về lĩnh vực đất đai. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ tiếp nhận hơn 1.700 lượt đơn khiếu nại, tố cáo thì hơn 1.670 đơn thuộc lĩnh vực đất đai, tương đương 97,8%.

Kết quả điều tra xã hội học với chủ đề “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và công chức” do WB phối hợp với Thanh tra Chính phủ Việt Nam thực hiện năm 2012 cho thấy, quản lý đất đai là một trong những ngành tham nhũng nhiều nhất với tỷ lệ hơn 60%. Bên cạnh đó, thực tế cũng chỉ ra rằng việc minh bạch hóa thông tin về đất đai không đầy đủ, không được làm nghiêm túc, hoặc bị bưng bít, làm sai, khiến cho người dân không tiếp cận được thông tin. 

Nhận định về hiệu quả và tác động của việc công khai thông tin đất đai, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: “Nâng cao minh bạch trong quản lý đất đai là vấn đề then chốt tại Việt Nam, nhằm sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn”. Về phía Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: “Báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam”.

Thông tin đất đai là  “tài liệu mật”

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, để tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia đã kiểm tra tình hình công khai thông tin liên quan đến đất đai trên các trang web của 63 tỉnh, thành phố cũng như tại các cơ quan chức năng của từng tỉnh, 126 huyện và 321 xã vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Thông tin thu thập được cho thấy, nhiều cơ quan vẫn chỉ coi việc niêm yết thủ tục hành chính chỉ mang tính hình thức chứ không phải thực sự là để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều nơi niêm yết ở góc phòng, hoặc  ngoài trời, khu vực để xe. 

Không những thế, nhóm nghiên cứu còn gặp phải những vấn đề về thái độ, năng lực và công tác chỉ đạo, ví dụ một số cán bộ sẵn sàng từ chối yêu cầu cung cấp thông tin hoặc đòi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, nhiều cán bộ không có mặt trong giờ làm việc hoặc trả lời là họ không có các thông tin được yêu cầu cung cấp.  

Thậm chí, nghiên cứu viên được cán bộ có thẩm quyền thông báo rằng, các kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư là “tài liệu mật”, hay cần sự phê duyệt của lãnh đạo địa phương mới được tiếp cận các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Có trường hợp, cán bộ xã chỉ “phải lên huyện” và cán bộ huyện “đá bóng” bảo “xuống xã”....

Nhóm nghiên cứu cho biết, so sánh kết quả với một nghiên cứu tương tự được tiến hành vào năm 2010 cho thấy, mặc dù có nhiều thông tin được công khai hơn - đặc biệt là ở những địa phương có mức độ phát triển hơn với các nguồn thông tin trực tuyến dồi dào thì vẫn còn nhiều việc cần làm. Đề xuất được đưa ra là Việt Nam cần thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin dưới hình thức một luật quy định, mọi thông tin là công khai trừ những thông tin nằm trong danh mục ngoại lệ.  Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các địa phương được khảo sát về cách thức cải thiện tình hình công khai thông tin. 

Bà Trần Thi Lan Hương - đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu, khẳng định: “100% các khuyến nghị có thể thực hiện được, điều đó có nghĩa là mỗi tỉnh, huyện hay xã biết chính xác mình cần làm gì để có thể nâng cao tính minh bạch.”

“Chúng tôi hy vọng những khuyến nghị thiết thực của báo cáo sẽ giúp các cơ quan Trung ương và địa phương cải thiện tình hình tiếp cận thông tin của người dân trong quản lý đất đai,” ông Jim Carpy - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ.