Tăng vọt việc chậm, hủy chuyến bay

ANTĐ - Tỷ lệ chậm, hủy chuyến trong hàng không 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng vọt so với cùng kỳ 2013, cứ 4 chuyến bay có 1 chuyến bị chậm. Đáng nói, đến 80-90% nguyên nhân của tình trạng này là do các hãng, còn thời tiết chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Hành khách vạ vật ở sân bay vì hoãn chuyến bay

Hành khách ngày càng bức xúc

Đại diện Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đến hết tháng 5- 2014, tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là 25%. Trong đó, Jetstar Pacific chiếm 50%, số chuyến bay của hãng VietJet Air là 51%. Đáng nói, trong khi nguyên nhân dẫn đến việc chậm hủy chuyến vì lý do thời tiết ngày càng ít thì lý do vì yếu tố kỹ thuật, khai thác thương mại  lại gia tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 5-2014, các hãng khai thác tổng cộng 9.684 chuyến bay thì có 1.417 chuyến chậm giờ và 184 chuyến bị hủy. Trong đó, chỉ có 27 chuyến chậm giờ và 10 chuyến bị hủy vì lý do thời tiết.

Dẫn chứng trong tháng 5-2014, Vietjet Air có 704 chuyến bị chậm, không có chuyến nào bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Theo nhận định từ Phòng vận tải hàng không, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề chậm chuyến tuy nhiên có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có nguyên nhân liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không chưa đáp ứng vào các giờ cao điểm. 

Trong khi đó, đại diện Phòng tiêu chuẩn an toàn bay cho hay, từ đầu năm 2014 đến hết tháng 6 đã có 131 sự cố liên quan đến an toàn hàng không. Đáng nói, sự cố do nguyên nhân kỹ thuật là 66 vụ, do thời tiết chỉ có 13, và sự cố do yếu tố con người là 23 vụ. Bên cạnh đó, sự cố liên quan đến an toàn hàng không trong 6 tháng cũng đã tăng 39 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. 

Mặc dù tỷ lệ bị chậm, hủy chuyến trong hàng không gia tăng, song theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, việc thông tin cho hành khách đối với các chuyến bay bị chậm thời gian dài, thậm chí chưa xác định được thời gian khởi hành còn chưa thỏa đáng. Điều này đã khiến hành khách chờ đợi lâu, mệt mỏi, bức xúc dẫn đến việc gây lộn, cự cãi với nhân viên. 

Không thể chấp nhận việc chậm, hủy chuyến

Theo nhận định của Phòng tiêu chuẩn an toàn bay, về cơ bản, thái độ phục vụ hành khách, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết các vấn đề và xử lý tình huống luôn được các hãng hàng không hoàn thiện và nâng cao. Tuy nhiên, đối với các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific, Vietjet Air vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp hành khách bức xúc, tranh cãi, lớn tiếng khi bị chậm, hủy chuyến, cắt khách, làm mất an ninh trật tự tại nhà ga. “Do một số nhân viên của hãng chuyên môn còn hạn chế, cách trả lời, giải thích cho hành khách chưa thỏa đáng, đồng thời, vào một số thời điểm không có nhân viên của đại diện hãng tại khu vực làm thủ tục để giải quyết những bức xúc của hành khách nên dẫn đến lộn xộn”, đại diện Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay nhận định.

Tại buổi làm việc vào sáng qua 7-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam trong thứ sáu tuần này (ngày 11-7) phải có báo cáo cụ thể về thực trạng chậm, hủy chuyến hiện nay: “Phải làm việc ngay với các hãng hàng không, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì, do đơn vị nào…”.

Bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng cũng yêu cầu  lập tức công khai toàn bộ chuyến bay bị hủy, chậm chuyến và thời gian cụ thể bị chậm của các hãng hàng không. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, không thể chấp nhận việc chậm chuyến liên tục như thời gian qua. Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng Đề án tái cơ cấu, đổi mới toàn diện ngành hàng không. Trong việc sửa Luật hàng không, phải xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình, quy phạm bay, tiêu chuẩn bay…  để nâng cao hiệu quả quản lý. 

Duy trì giấy phép hoạt động của Mekong Air

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận duy trì Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Mekong Air đến hết 31-12-2014 . Cục Hàng không Việt Nam theo dõi, giám sát, kiểm tra thực tiễn, hướng dẫn, chỉ đạo Mekong Air trong việc duy trì Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để thực hiện tái cơ cấu và khai thác trở lại.

Nếu hết thời hạn 31-12-2014,  Mekong Air không khai thác trở lại sẽ hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Mekong Air theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ.