Lời cảnh báo về một toan tính

ANTĐ - Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay hoạt động xây dựng quy mô lớn trên Biển Đông và tham gia vào những sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy tất cả các bên kiềm chế những hành động tương  tự.

Lời kêu gọi của Washington được đưa ra sau khi chuyên trang quốc phòng hàng đầu thế giới IHS Jane’s công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một hòn đảo nhân tạo đủ lớn để hình thành đường băng trên biển đầu tiên của họ trên Biển Đông tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung tá J. Poole, Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, hoạt động bồi đắp và cải tạo đất đai quy mô khổng lồ tại bãi đá Chữ Thập là một trong số dự án xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang theo đuổi. 

Bãi đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Trước đây, bãi đá Chữ Thập hoàn toàn chìm dưới mực nước biển và khu vực có thể cư trú được duy nhất trên bãi đá này là một tòa nhà bê tông do hải quân Trung Quốc xây dựng sau khi chiếm đóng. Đây là nơi đồn trú của một đơn vị quân đội Trung Quốc cùng các thiết bị thông tin liên lạc.

Thế nhưng, theo bài báo trên tạp chí IHS Jane's, trong vòng 3 tháng qua, Trung Quốc đã sử dụng các tàu hút bùn khổng lồ để xây dựng một hòn đảo dài khoảng 3.000 m và rộng từ 200 đến 300 m trên bãi đá Chữ Thập. Kết quả của việc hút bùn có thể thấy rõ trong những bức ảnh vệ tinh chụp trong thời gian giữa ngày 8-8 tới 14-11 mà tạp chí này nhận được.

Điều gì ẩn giấu đằng sau hành động này? Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” tiết lộ, một kế hoạch xây đảo nhân tạo tại bãi đá Chữ Thập đã được thông qua, với diện tích lớn gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia rộng 4,4 km2 của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Trong tương lai, đây sẽ là một sân bay quân sự cùng một bến cảng đủ lớn để đón các tàu tiếp tế và tàu chiến hải quân.

Một khi tham vọng đó thành hiện thực, bãi đá Chữ Thập sẽ trở thành một “tàu sân bay không thể chìm” với một đường băng đủ cho các loại chiến đấu cơ cất hạ cánh. Từ góc độ quân sự, Trung Quốc có thể dễ dàng vươn tới lãnh thổ nhiều nước trong tầm bán kính dưới 1.000 km. Từ góc độ chủ quyền, bãi đá Chữ Thập sẽ giúp Trung Quốc bám chặt vào quần đảo Trường Sa, dù các tòa án quốc tế có ra phán quyết gì liên quan đến chủ quyền tại quần đảo này đi chăng nữa. 

Như vậy, ngoài mục tiêu quân sự, hành động biến đảo chìm thành đảo nổi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa có mục tiêu rõ ràng là tạo ra những vùng biển chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, biến không thành có. Điều đó giải thích tại sao dự án “đảo hóa” bãi đá Chữ Thập dù tốn kém như việc đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với trọng tải 100.000 tấn và dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD trong vòng 10 năm nhưng Trung Quốc vẫn quyết thực hiện.

Điều đó cũng giải thích tại sao Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc chấm dứt các hoạt động đào đắp trên Biển Đông để giảm bớt căng thẳng, đồng thời tuyên bố ngang ngược rằng, họ “thích xây gì thì xây” trên Biển Đông.