Libya bên bờ vực nội chiến

ANTĐ - Đất nước Libya có nguy cơ rơi vào cuộc chiến “nồi da nấu thịt” khi Chính phủ được quốc tế công nhận kêu gọi cung cấp vũ khí để chống lại lực lượng chống đối đang ngày càng lớn mạnh ở trong nước.

Libya bên bờ vực nội chiến ảnh 1Binh sĩ quân đội Chính phủ đứng trên xe bọc thép nhìn khói lửa bốc cao từ cảng xuất khẩu dầu mỏ Al Sidra

Tại cuộc họp khẩn cấp của Liên đoàn Arab (AL) diễn ra ngày 5-1 ở Thủ đô Cairo của Ai Cập, Chính phủ được quốc tế công nhận ở Libya hiện nay đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương cung cấp vũ khí để chống lại các lực lượng vũ trang nổi dậy trong nước. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi LHQ quyết định hoãn các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến vào ngày 5-1 giữa các phe phái đối địch ở Libya do bạo lực leo thang.

Đàm phán thất bại, bạo lực gia tăng đang đẩy đất nước Libya lún sâu hơn vào tình trạng xung đột vốn đeo đẳng suốt hơn 3 năm qua kể từ ngày nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ tháng 8-2011. Dù tổ chức bầu cử và thành lập được Chính phủ mới thay thế cho chính quyền của ông Gaddafi song các nhóm Hồi giáo và bộ lạc vũ trang ở Libya vốn “núp bóng” cuộc không kích của Mỹ và NATO để trỗi dậy đã lại lao vào tranh giành, xâu xé đất nước và quyền lực tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong số các nhóm vũ trang tại Libya nổi lên là nhóm Hồi giáo thuộc liên minh Fajr Libya (Bình minh Libya) từ thành phố Misrata nằm ở phía Đông. Sau khi mở cuộc tấn công và giành quyền kiểm soát thành phố Benghazi lớn thứ hai tại Libya từ cuối tháng 7-2014, Fajr Libya đã thừa thắng xông tới làm chủ Thủ đô Tripoli, đẩy quân đội cùng Chính phủ của Thủ tướng Abdullah al-Thani phải “dạt” về thành phố Tobruk ở miền Đông hẻo lánh. 

Mới đây nhất, ngày 25-12 vừa qua, lực lượng Fajr Libya với các máy bay chiến đấu 

MIG-23 chiếm giữ được của quân Chính phủ đã tiến hành không kích và gây thiệt hại nặng nề cho cảng xuất khẩu dầu mỏ Sidra lớn của Libya, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Các cuộc giao tranh bùng phát mạnh kể từ trung tuần tháng 12-2014 đã khiến sản lượng dầu mỏ của Libya sụt giảm nghiêm trọng, từ 800.000 thùng xuống còn 200.000 thùng/ngày.

Chính phủ Libya được quốc tế công nhận thời gian qua đã tìm mọi cách để đối phó với hiểm họa Fajr Libya. Song kể cả việc phục chức cho tướng về hưu Khalifa Haftar và 16 cựu sĩ quan khác trong quân đội chính quy nhằm quy tụ lực lượng để phản công quân Fajr Libya, trước hết là giành lại quyền kiểm soát Thủ đô Tripoli cũng như thành phố lớn thứ hai Benghazi  đều thất bại.

Cực chẳng đã, Chính phủ được hình thành sau cuộc bầu cử và được quốc tế công nhận của Thủ tướng al-Thani phải ngồi vào bàn đàm phán với các phe nhóm vũ trang khác ở nước này. Tuy nhiên, dù diễn ra dưới sự bảo trợ của LHQ, song các cuộc đàm phán chưa đi tới đâu bởi các nhóm vũ trang, đặc biệt là Fajr Libya, muốn giải quyết vấn đề bằng sự thắng thua bằng sức mạnh bạo lực trên chiến trường.

Trước nguy cơ nội chiến tại Libya - cơ hội để cho khủng bố trỗi dậy, Tổng thống Pháp 

Francois Hollande đã thúc giục Liên hợp quốc “hành động để ngăn chặn tình trạng bạo lực” leo thang ở nước này. Song ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya, ông Aqila Issa đã tuyên bố phản đối mọi sự can thiệp quân sự của phương Tây.

Ngõ cụt đàm phán, bạo lực leo thang đang mở ra con đường đi tới nội chiến cho đất nước Libya.