Khí đốt- con bài chiến lược của Nga làm châu Âu bất lực?

ANTĐ - Ngày 8-3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, phương Tây đang đánh tráo khái niệm khi kêu gọi Nga làm việc với giới lãnh đạo mới của Verkhovna Rada Ukraine - một thực thể tiếm quyền, bất hợp pháp và họ sẽ phải chịu hậu quả.

Ông lưu ý rằng "sự tái xây dựng một hệ thống chính quyền mới ở Ukraina vẫn chưa hoàn thành, vì nó không được xây dựng trên một cơ sở dân chủ thực sự". Moscow luôn khẳng định, chính quyền ở Kiev bị chiếm giữ bằng vũ khí, có nghĩa là không thể nói về tính hợp pháp của nhà cầm quyền mới. Nga chỉ công nhận ông Viktor Yanukovych là tổng thống hợp hiến của Ukraine.

Sau khi xảy ra sự tiếm quyền của những “lãnh tụ cầm vũ khí” ở Kiev, Moscow đã lập tức tuyên bố họ là những kẻ đứng ngoài vòng pháp luật. Ở Nga, việc tổng thống Ukraine bị lật đổ bằng bạo lực và không hề tuân thủ các tiêu chuẩn hiến pháp, cũng như Verkhovna Rada thông qua các sắc luật mị dân dưới sức ép những họng súng, được đánh giá là một sự kiện đảo chính.

Đáng ngạc nhiên khi “châu Âu dân chủ” cũng như “Hoa Kỳ tự do” đã ngay lập tức thừa nhận và đàm phán với chính quyền Ukraine mới. Thậm chí, đề cập cả vấn đề viện trợ tài chính. Liên minh châu Âu có bàn về những giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng họ không hề lắng nghe bất cứ lập luận nào của Moscow, cáo buộc Nga thể hiện chính sách xâm lấn với quốc gia láng giềng.

Trung Quốc cũng lên tiếng thúc giúc giải quyết tình hình chính trị ở Ukraine, kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Các nhà chức trách Đại lục cho biết, họ dự định đóng vai trò xây dựng trong giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đủ khả năng, ảnh hưởng và uy tín để đảm trách nhiệm vụ này.

Trong khi Trung Quốc đề nghị sự hỗ trợ trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ cố gắng trấn an châu Âu - nhưng quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng dòng nhiên liệu quá cảnh qua Ukraine. Lục địa già thực sự đau đầu trước câu hỏi: Tình hình Ukraine và những bất đồng thỏa thuận giữa Gazprom và Kiev có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người châu Âu như thế nào?

Lo xa, tuần này EU đã tăng thêm 15% khối lượng mua khí đốt. Từ bên kia đại dương, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest ra sức trấn an người châu Âu. Ông nói rằng Washington không thấy cơ nguy cơ châu Âu thiếu khí đốt tự nhiên. Và nếu thực sự điều đó xảy ra, Mỹ sẽ giúp EU bằng nhiên liệu hóa lỏng của họ. Tuy nhiên, cứ cho là Washington thực hiện đúng cam kết thì họ cũng không có khả năng đáp ứng trước cuối năm 2015.

Trao đổi với Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga”, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc quỹ đầu tư Nord-Capital, ông Vladimir Rozhankovsky đã bình luận về tuyên bố từ Washington. Vị chuyên gia này cho rằng, Nhà Trắng nên giúp đỡ các đối tác châu Âu của mình không chỉ bằng lời nói mà là hành động cụ thể. Liệu họ có dám tung nguồn dự trữ năng lượng của mình cho châu Âu trong vòng vài năm? Điều đó là không thể!

Ông nhấn mạnh: “Tất nhiên là họ thừa biết châu Âu gặp khó khăn trong vấn đề khí đốt hay không. Nếu Washington quyết định can thiệp vào số phận của Kiev thì phải mở cuộc họp khẩn cấp về vấn đề năng lượng Ukraine. Lúc này, điều quan trọng hơn cả là cần lắng nghe Berlin, Rome, Paris - những khách hàng khí đốt chủ chủ yếu của Moscow. Ý kiến ​​của họ có giá trị trước nhất vì họ là bên bị ảnh hưởng trong tình huống này.”

Trong bối cảnh như vậy, hôm 7-3, Gazprom công bố thực tế Ukraine đã ngừng trả tiền khí đốt, trong khi đó Kiev vẫn còn nợ Moscow khoảng hai tỷ USD. Trước hoàn cảnh như vậy, công ty Nga không thể tiếp tục cung cấp nhiên liệu miễn phí. Tuyên bố này có nghĩa Gazprom có thể đóng van bất cứ lúc nào và điều này chắc chắn sẽ là một thảm họa với châu Âu.