Asean chống bạo lực với phụ nữ

ANTĐ - Nhờ những nỗ lực liên tục, các thành viên ASEAN đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận về việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong chiến tranh, xung đột cũng như trong nạn buôn bán, bạo hành tình dục...

Asean chống bạo lực với phụ nữ ảnh 1Các thanh niên ASEAN tham gia một cuộc hội thảo về việc chống nạn buôn bán phụ nữ trong khu vực

Phát biểu thay mặt các thành viên ASEAN trong phiên thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ, Hoà bình và An ninh” ngày 28-10 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định ASEAN luôn ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vấn đề hoà bình, an ninh. Theo đó, ASEAN hoan nghênh các bước tiến trong quá trình thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm góp phần củng cố và triển khai trên thực tế khuôn khổ chung của cộng đồng quốc tế về lĩnh vực này. 

Nghị quyết 1325 được thông qua năm 2000 với mục tiêu nhân đạo sâu sắc và cao cả là bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái - những người dễ bị tổn thương, bị tác động nặng nề nhất trong xung đột, chiến tranh. Nghị quyết yêu cầu tất cả các nước trừng phạt tội phạm diệt chủng, tội ác chống nhân loại, kể cả việc sử dụng bạo lực và cưỡng hiếp phụ nữ trong chiến tranh; cũng như tạo điều kiện cho sự tham gia của phụ nữ vào toàn bộ các quá trình ngăn chặn xung đột và tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Lên tiếng tại Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng cuộc họp mở diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều phụ nữ, trẻ em phải sống tị nạn, vô gia cư, thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản. Đại sứ dẫn số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, trong năm 2013 đã có hơn 51 triệu người tị nạn, so với 45 triệu người của năm 2012, để nhấn mạnh ASEAN hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an tập trung thảo luận các vấn đề phụ nữ phải đối mặt khi phải tị nạn. 

Nhờ những nỗ lực kiên trì suốt hàng chục năm qua, các thành viên ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các cuộc xung đột, bạo lực. Tuy nhiên, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng như bạo lực và bóc lột tình dục với các đối tượng này vẫn là một thách thức không nhỏ với các quốc gia trong khu vực khi các số liệu cho thấy mỗi năm có hơn 10.000 nạn nhân của tội phạm buôn người trong khu vực.

Đó chính là lý do khiến các nước ASEAN đang thúc đẩy hợp tác nhằm chống lại các băng nhóm buôn bán người trong khu vực mà hiện đã trở thành một loại tội phạm xuyên quốc gia đáng lo ngại. Trong Hội nghị về chương trình phòng chống buôn bán người khu vực vừa diễn ra ngày 23-10 vừa qua tại Singapore, các đại biểu tham dự đã nhất trí ASEAN phải hoàn thiện luật pháp, có tiếng nói chung trong phòng chống buôn người cũng như cách tiếp cận chung và phối hợp với nhau để khi xảy ra vụ việc buôn người, một nước phải chủ động liên hệ, chia sẻ thông tin với nước khác có liên quan.

Thực hiện các cam kết của mình, ASEAN bên cạnh việc thông qua các Tuyên bố về loại trừ bạo hành phụ nữ tại khu vực ASEAN năm 2004 và Tuyên bố về nhân quyền của ASEAN năm 2012… đã nỗ lực thiết lập các khung pháp lý, triển khai những chính sách phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa địa vị xã hội và phúc lợi đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm loại bỏ tất cả các hình thức bạo hành phụ nữ, trong đó có bạo hành, cưỡng bức tình dục.