Nhật lập vòng cung phòng thủ tập thể khiến Trung Quốc bất an

ANTĐ - Ngày 11-8, Hải quân phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên với Ba Lan tại biển Baltic, một động thái mà Trung Quốc cho là đang nỗ lực dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đạt về quyền phòng thủ tập thể với các nước đồng minh.

Tờ Nhân dân nhật báo dẫn lời các chuyên gia của nước này cho rằng, quyền phòng thủ tập thể này, nếu được đưa vào dự thảo sửa đổi chính sách quốc phòng của Nhật Bản, sẽ khiến nước này từ bỏ hiến pháp hòa bình của mình và sẽ gây bất ổn cho khu vực.

Đây là hoạt động diễn tập mới nhất, với sự tham gia của 2 tàu huấn luyện JDS Kashima và JDS Shirayuki và tàu khu trục JDS Isoyuki, trong một loạt các cuộc diễn tập quân sự chung mà Nhật Bản đã tiến hành trong vài tháng qua với nhiều nước đồng minh, bao gồm cả Mỹ và Mông Cổ.

Từ thứ 2 đến thứ 6 tuần này, Nhật Bản sẽ triển khai các máy bay chiến đấu tham gia cuộc diễn tập không quân đa quốc gia do Không quân Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức tại Alaska.

"Việc sửa đổi hiến pháp không dễ dàng, do vậy chính quyền Abe ​​bắt đầu tập trung vào việc phá vỡ sự ràng buộc hậu chiến tranh này bằng việc thực thi quyền tự vệ trong các cuộc diễn tập này," ông Li Xiushi, một nhà nghiên cứu cấp cao về Nhật Bản tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho biết.

Quyền tự vệ tập thể, theo luật pháp quốc tế, có nghĩa là quyền của bất kỳ thành viên nào thuộc một liên minh nhận viện trợ quân sự từ các thành viên khác để đối phó với một cuộc tấn công. Tuy nhiên, hiến pháp hòa bình của Nhật Bản không quy định Nhật Bản có quyền này.

Biên đội tàu chiến Nhật Bản, bao gồm 2 tàu huấn luyện JDS Kashima,
JDS Shirayuki và tàu khu trục JDS Isoyuki

Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản thực thi quyền đó. Ban đầu, Nhật Bản đã phản ứng rất lạnh nhạt, nhưng thái độ của họ đã thay đổi kể từ tháng 9 năm ngoái, khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

"Nhật Bản đã quan ngại về việc bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, nhưng bây giờ chính phủ này muốn thể hiện sức mạnh với Trung Quốc bằng một quân đội lớn mạnh hơn", ông Li Xiushi cho biết.

Ông Ruan Zongze, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cũng cho rằng Washington, đang phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và chiến lược tái cân bằng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngày càng mong muốn Nhật Bản có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong liên minh an ninh này, trong khi Tokyo lại hy vọng sẽ tăng cường sức mạnh mặc cả với Trung Quốc, đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ.

Hồi tháng 6, Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức một loạt cuộc diễn tập hải quân chung chưa có tiền lệ, mang mật danh Dawn Blitz, ở ngoài khơi bờ biển California, với một kịch bản giả định cụ thể là: tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ hỗn hợp trên một hòn đảo sau khi nó bị một lực lượng xâm lược nhỏ, nhưng được vũ trang mạnh chiếm giữ.

Tàu khu trục JDS Isoyuki

Đến tháng 7, Nhật Bản và Mỹ lại tổ chức một cuộc diễn tập chung với sự tham gia của các tàu hải quân và 16 máy bay chiến đấu tại không phận và hải phận ngoài khơi đảo cực bắc Hokkaido của Nhật Bản, cách vùng biển nơi mà Trung Quốc và Nga vừa tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung mang tên Joint Sea 2013 chưa đến 800km.

Ông Meng Xiangqing, Phó giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng của Quân đội Trung Quốc, cho biết các cuộc diễn tập chung như vậy có mục tiêu và điều kiện rõ ràng mô phỏng các tình huống chiến đấu thực tế chính xác những gì mà Tokyo muốn. Chúng có thể gây áp lực đối với Trung Quốc.

Ông Ruan Zongze cho rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến hành thêm các cuộc diễn tập quân sự, trong khi ông Li Xiushi thì cảnh báo rằng ngoài Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực tìm kiếm thêm đồng minh trong số các quốc gia hàng hải khác, bao gồm Philippines và Ấn Độ, hình thành một vòng cung phòng thủ tập thể nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.