Vụ Philippines kiện Trung QUốc ra tòa Quốc tế:

Manila không tin lời hứa của Bắc Kinh

ANTĐ - Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định của khu vực và an ninh hàng hải quốc tế tại Biển Đông, Philippines đã chính thức nộp hồ sơ chi tiết kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế tại The Hague (Hà Lan).

Ngoại trưởng Philippines tin rằng nước này có lợi thế lớn khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Giai đoạn then chốt

Vụ kiện của Philippines đã bước vào giai đoạn then chốt khi ngày 30-3 vừa qua, theo đúng hạn định, Philippines chính thức đệ trình bộ hồ sơ chi tiết lên Tòa án quốc tế. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, bộ hồ sơ gồm gần 4.000 trang tài liệu và 40 bản đồ nêu chi tiết các lập luận và chứng cứ bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, một trong những điểm cụ thể nhưng quan trọng nhất mà Philippines yêu cầu phán quyết là “tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc nằm trong khu vực đường chín đoạn ở Biển Đông là trái với Luật Biển và không có hiệu lực”.

Tiếp theo cuộc họp báo của Ngoại trưởng Del Rosario, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng phát biểu với báo chí: “Việc Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài là một biện pháp hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chính sách ngoại giao hòa bình của Philippines và luật pháp quốc tế”. Trước đó, vào tháng 1-2013, Chính phủ Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ra Tòa án quốc tế, sau khi các tàu Trung Quốc kiểm soát bãi cạn tranh chấp Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) trên Biển Đông, sách nhiễu các tàu đánh cá của Philippines hoạt động tại khu vực này. Đối với Manila, đảo Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng Bắc Kinh lại coi đảo này thuộc lãnh hải Trung Quốc.

Philippines đề nghị tòa án tuyên bố rằng yêu sách của Bắc Kinh đòi chủ quyền 80% diện tích Biển Đông cùng việc Trung Quốc chiếm 8 bãi cạn và bãi san hô ở vùng biển này là bất hợp pháp. Ông Rosario cho biết, Manila đi đến quyết định này sau khi đã “tìm hết cách để giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức chính trị và ngoại giao”. 

Không thể chấp nhận “đường lưỡi bò” bất hợp pháp do Trung Quốc tự vẽ
bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông

Quốc tế ủng hộ

Vụ kiện của Philippines có tác động tới các nước có mối quan tâm tương tự, và giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận và từ chối tham gia vụ kiện mà Manila theo đuổi. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc trong hơn 1 năm qua, tiến trình của Tòa Trọng tài cho vụ kiện của Philippines vẫn diễn ra bình thường. Bởi vì theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển     (UNCLOS) 1982, một bên có thể đơn phương đưa những vấn đề tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước ra Tòa Trọng tài để phán xét mà không cần có sự đồng ý của bên bị kiện. 

Ngay sau khi Philippines nộp Bộ hồ sơ chi tiết lên Tòa Trọng tài, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc thực hiện các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. “Tất cả các quốc gia cần tôn trọng quyền của quốc gia thành viên khác tham gia Công ước LHQ về Luật Biển 1982, là một thành viên, Philippines được sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quy định trong Công ước Luật Biển 1982. Mỹ hy vọng rằng vụ kiện này sẽ giúp đem lại một sự rõ ràng hơn về mặt pháp lý và việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, bà Marie Harf nhấn mạnh. Trong khi đó, cựu Thủ tướng      Singapore Lý Quang Diệu hồi tháng 3 vừa qua cũng có bài viết đăng trên tờ “The Strait Times” phê phán trực tiếp yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong bài viết, ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh tất cả các thành quả của cộng đồng quốc tế về luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982 sẽ bị Trung Quốc hủy hoại và làm đảo lộn bởi các yêu sách dựa trên bản đồ “đường lưỡi bò”. Đây được xem là sự ủng hộ mạnh mẽ cho vụ kiện của Philippines bởi nội dung chính trong vụ kiện của Philippines là bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. 

Trung Quốc lúng túng

Có nhiều bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đang hết sức lúng túng và bực tức trước phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với vụ kiện. Bắc Kinh đã tìm mọi cách gây áp lực nhằm khiến Manila từ bỏ tiến trình kiện tụng, kể cả việc đưa ra những mồi nhử kinh tế. Có thông tin cho rằng, Trung Quốc đã đưa ra những ưu đãi lớn nếu Philippines chịu từ bỏ vụ kiện, trong đó có cả các lợi ích thương mại và việc hai bên cùng rút tàu thuyền khỏi bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế kể từ tháng 4-2012.

 Nhưng có lẽ do nhận thấy lời hứa của Bắc Kinh không đáng tin cậy, nên Manila không bận tâm và tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý. “Với chứng cứ chắc chắn, mục đích cuối cùng của việc nộp bộ hồ sơ chi tiết lên Tòa án quốc tế là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi hợp pháp của chúng tôi, bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước”, ông Rosario nhấn mạnh tại buổi họp báo ngày 30-3. Theo ông Rosario, vụ kiện bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông cũng nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, giúp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. 

Philippines lạc quan và tin tưởng rằng nước này sẽ thắng trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa án LHQ. “Chúng tôi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế vì chúng tôi thấy rằng mình có một lợi thế rất lớn, xét theo các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt theo UNCLOS thì tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là mở rộng quá mức và bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez  tuyên bố. Giới lãnh đạo Philippines cũng xem các hành động trên biển ngày càng hung hăng của Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, mà còn đe dọa an ninh năng lượng và các nguồn lợi kinh tế. 

Diễn tiến vụ kiện


- Ngày 22-1-2013, Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
- Ngày 19-2-2013, Trung Quốc phản đối quyết định của Philippines.
- Ngày 21-6-2013, Tòa án Liên hợp quốc về Luật Biển thành lập Hội đồng trọng tài.
- Ngày 11-7-2013, Hội đồng trọng tài họp phiên đầu tiên thông qua các quy định về tiến trình xét xử được tổ chức ở Hà Lan. 
- Ngày 30-3-2014, Philippines hoàn tất hồ sơ vụ kiện.

Danh sách chính thức Hội đồng trọng tài xét xử vụ kiện này bao gồm: Thẩm phán Ghana Thomas Mensah (Chủ tịch) cùng các thành viên hội đồng: Thẩm phán Đức Rüdiger Wolfrum (đại diện cho Philippines), Thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak (đại diện cho Trung Quốc), Thẩm phán Pháp Jean-Pierre Cot và Thẩm phán Hà Lan Alfred Soons.