Chuyên gia Nhật đề nghị sắm UAV tấn công đối phó Trung Quốc

ANTĐ - Song song với việc chuẩn bị triển khai máy bay trinh sát chiến lược không người lái Global Hawk để giám sát Trung Quốc, chuyên gia Nhật còn kiến nghị nên mua sắm máy bay tấn công không người lái để đối phó với Bắc Kinh.

Cuối tháng 5 này, không quân Mỹ sẽ điều 2 chiếc máy bay trinh sát không người lái chiến lược thế hệ mới nhất RQ-4 Global Hawk đến căn cứ không quân của Hoa Kỳ đặt tại Misawa, nằm ở phía bắc Nhật Bản để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ giám sát khu vực biển phía tây nước này.

Ngày 15/5, đài phát thanh và truyền hình nước Đức (DW - Deutsche Welle) cho biết, việc quân đội Mỹ điều động hai chiếc UAV này từ căn cứ không quân Andersen AFB ở đảo Guam đến Nhật Bản là cơ hội cho quân đội nước này học hỏi kinh nghiệm.

Năm 2015, công ty Northrop Grumman - nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ sẽ cung cấp cho phía quân đội Nhật 3 chiếc UAV trinh sát, rất có thể đó chính là loại máy bay không người lái Global Hawk.

Theo bài báo, UAV “Global Hawk” đã được Mỹ sử dụng một cách phổ biến và mang lại hiệu quả cao tại chiến trường Afghanistan và Iraq.

Còn lần này, hai chiếc máy bay không người lái mà Hoa Kỳ điều tới Nhật Bản tới đây sẽ có nhiệm vụ chính là giám sát hoạt động ngày một “mang tính khiêu khích” của hải quân Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông và biển Đông, đồng thời giám sát công tác nghiên cứu vũ khí hạt nhân và tên lửa đẩy mang vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

RQ-4 “Global Hawk” có độ dài sải cánh là 40m, chiều dài khoảng 14,5m, chiều cao 4,7m, phía trên có lắp đặt radar, các thiết bị quay phim, chụp ảnh và hệ thống cảm biến tiên tiến. Loại UAV trinh sát không có vũ khí này có thể bay ở độ cao 18 km và có thể tác nghiệp liên tục trong thời gian 30h.

Chịu trách nhiệm điều khiển cất hạ cánh hai chiếc UAV được điều đến Nhật Bản tới đây sẽ là nhân viên của quân đội Mỹ thuộc căn cứ Misawa, còn nhân viên điều khiển bay tại căn cứ không quân California - Mỹ chỉ tiếp quản sau khi UAV bay đạt độ cao theo dự định.

Đồng thời, lực lượng tự vệ trên không của Nhật Bản cũng đang tích cực chuẩn bị công tác tiếp nhận chỉ huy, điều khiển 2 chiếc UAV này, tại một căn cứ không quân hỗn hợp do Mỹ và Nhật cùng xây dựng. Khi đó, hai nước sẽ cùng chia sẻ tin tức tình báo mà UAV thu thập được.

Ông Masafumi Lida - Chuyên gia nghiên cứu vấn đề Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu phòng vệ, Bộ quốc phòng Nhật đã cho “Deutsche Welle” biết rằng, Mỹ đã từng điều khiển UAV tấn công từ xa các phần tử khủng bố ở Afghanistan, Pakistan, Yemen... Còn phía Nhật Bản cho đến thời điểm hiện nay hầu như chưa có ý định mua loại UAV loại này.

Tuy nhiên, chuyên gia Yoichi Shimada đã đề xuất ý kiến Nhật nên trang bị UAV có khả năng tấn công tầm xa. Ông khẳng định rằng, không có lý do gì mà Nhật lại không trang bị cùng lúc cả hai loại máy bay trinh sát và tấn công không người lái.

Vị chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc không ngừng gia tăng những động thái mang tính khiêu khích nhằm vào Philippines, Nhật Bản và một số quốc gia khác, nên các quốc gia khu vực này lựa chọn đối sách cứng rắn để đáp lại Bắc Kinh là hoàn toàn bình thường.