Từ Liên hợp quốc hướng về Biển Đông

ANTĐ - Hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông luôn là mối quan tâm chung, là lợi ích sát sườn của các quốc gia trong khu vực. Điều đó một lần nữa được khẳng định qua Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (IAMM) bên lề khóa họp của Đại hội đồng LHQ.

Diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-9 tại New York (Mỹ) nhân khóa họp lần thứ 67 của Đại hội đồng LHQ, IAMM đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng. Trong đó có việc thông qua danh mục các kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 45 (AMM-45) diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) trung tuần tháng 7 vừa qua, khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các kết quả này như thực hiện Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”, thúc đẩy đàm phán chính thức ASEAN-Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)... 

Hơn 2 tháng trước, ASEAN đã chịu sự thử thách khi AMM-45 kết thúc mà không ra được Thông cáo chung ghi nhận những kết quả đạt được. 

Song chính vào những lúc thử thách gay gắt nhất thì ASEAN càng chứng tỏ được giá trị cốt lõi đã làm nên sức mạnh của hiệp hội. Ngay sau khi kết thúc AMM-45, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã có chuyến công du con thoi tới các quốc gia thành viên nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông vốn đang nổi lên là một thách thức lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trong toàn khu vực.

Chỉ một tuần sau AMM-45, cả 10 thành viên hiệp hội đã đạt được sự đồng thuận “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”, trong đó tái khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), Hướng dẫn thực hiện DOC và sớm hoàn tất COC. ASEAN cũng khẳng định tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của LHQ (UNCLOS), tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên, áp dụng các biện pháp hòa bình đối với các tranh chấp, theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” thể hiện lập trường thống nhất của ASEAN về vấn đề an ninh và ổn định hệ trọng với cả hiệp hội nay đã được toàn thể các thành viên ASEAN thông qua tại IAMM bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ. Đây sẽ là cơ sở để ASEAN chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Trung Quốc để bàn về COC. 

Cũng tại IAMM, Indonesia đã lần đầu tiên chuyển bản dự thảo COC, với nội dung gồm các yếu tố ngăn chặn và quản lý xung đột để giải quyết tranh chấp lãnh hải, đến Ngoại trưởng các nước ASEAN. Các Ngoại trưởng ASEAN tham dự cuộc họp cũng đồng ý để Thái Lan, hiện là điều phối viên giữa ASEAN với Trung Quốc, nỗ lực giúp giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, cũng như đứng ra tổ chức thảo luận về COC. Cho rằng tình hình Biển Đông rất đáng lo ngại, Ngoại trưởng Natalegawa hy vọng sẽ có tiến triển về COC trước khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tháng 11 tới nhằm hướng đến việc kiểm soát tích cực tranh chấp giữa các bên tại vùng biển nóng này.