Số phận khác nhau của một số cựu Tổng thống Hàn Quốc

(ANTĐ) - Mặc dù đã được hỏa táng từ hôm 29-5-2009, nhưng cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun vẫn đang là chủ đề được dư luận Hàn Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi Trưởng Công tố (Viện trưởng kiểm sát) Lim Chea-jin đệ đơn xin từ chức hôm 3-6-2009.

Số phận khác nhau của một số cựu Tổng thống Hàn Quốc

(ANTĐ) - Mặc dù đã được hỏa táng từ hôm 29-5-2009, nhưng cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun vẫn đang là chủ đề được dư luận Hàn Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi Trưởng Công tố (Viện trưởng kiểm sát) Lim Chea-jin đệ đơn xin từ chức hôm 3-6-2009.

Ông Roh Moo-hyun
Ông Roh Moo-hyun

Tuy Tổng thống Lee Myung-bak đã từ chối đơn xin từ chức, nhưng ông Lim Chea-jin vẫn bày tỏ ý xin lỗi người dân bởi “sự việc đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng”. Tổng thống Lee Myung-bak yêu cầu ông Lim Chea-jin tiếp tục tại nhiệm cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra. Dư luận cho rằng, Viện kiểm sát đã “bức tử” ông Roh Moo-hyun và cái chết của cựu Tổng thống đang khiến chính trường Hàn Quốc bị chia rẽ sâu sắc. Khi tại nhiệm, ông Roh Moo-hyun từng là biểu tượng chống tham nhũng. Nhưng sau khi bị cơ quan chức năng điều tra, ông Roh Moo-hyun đã trở thành “tù nhân của báo chí”.

Ông Roh Moo-hyun là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử không đủ tư cách để thuê nhà tại Thủ đô Seoul sau khi rời nhiệm sở vì không có hộ khẩu. Theo luật Hàn Quốc, nếu không có hộ khẩu tại Seoul thì không được thuê nhà trừ trường hợp được chính phủ phong tặng danh hiệu “Có công với Quốc gia”. Ông Roh Moo-hyun cũng là Tổng thống được nhận mức lương cao nhất: 144,68 triệu won, tương đương với 120.000 USD/năm, tăng hơn 8,3 triệu won so với các đời Tổng thống trước. Nhưng ông cũng là Tổng thống đầu tiên bị Quốc hội phế truất. Cách đây hơn 5 năm (12-3-2004), ông Roh Moo-hyun bị Quốc hội quyết định tạm bãi nhiệm sau khi Chủ tịch ủy ban Tư pháp và lập pháp Quốc hội Kim Ki-choon buộc tội vi phạm luật bầu cử.

Ông Chun Doo-hwan
Ông Chun Doo-hwan

Ông Kim Dae-jung được coi là người gặp nhiều trắc trở nhất trong các đời Tổng thống Hàn Quốc - từng đi lính, bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng trốn thoát. Vì tham chính (từ 1960) nên ông trở thành địch thủ nguy hiểm nhất của Tổng thống Park Chung-hee và bị bắt (nhiều lần) là điều dễ hiểu. Đến thời Tổng thống Roh Tae-woo, ông Kim Dae-jung còn bị tuyên án tử hình, nhưng do sức ép của Mỹ nên được giảm xuống chung thân. Cuối năm 1982, được phép đi Mỹ chữa bệnh, rồi đi Anh (1992) và thành công trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 1997. Từng được trao giải thưởng Nobel hòa bình, nhưng ông Kim Dae-jung đã phải công khai xin lỗi quốc dân về những tội lỗi của con (Kim Hong-up và Kim Hong-gol bị bắt vì tội nhận hối lộ, tham nhũng), và xin rút khỏi đảng Dân chủ thiên niên kỷ cầm quyền.

Tuy làm thư ký cho Thủ tướng, sống lưu vong, bị bắt, bị giam lỏng, bị cấm hoạt động chính trị và tuyệt thực (23 ngày) trong tù, nhưng ông Kim Young-sam vẫn đắc cử Tổng thống (1993-1998). Và ông Kim Young-sam là người có công trong việc đưa hai cựu Tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo ra tòa. Nếu không vì 3 “kẻ nghịch tử” - bị bắt vì tội tham ô, trốn thuế (được thả khi ông Kim Dae-jung lên nắm quyền) thì cuộc đời chính trị của Tổng thống Kim Young-sam coi như hoàn hảo - những vụ bê bối kể trên đã chấm dứt sự nghiệp chính trị 40 năm của ông.

Ông Park Chung-hee
Ông Park Chung-hee

Từng phục vụ nhiều năm trong quân đội và là bạn thân của ông Chun Doo-hwan nên sau khi giải ngũ (1981), ông Roh Tae-woo được cử đảm nhiệm nhiều trọng trách trong chính phủ của Tổng thống Chun Doo-hwan. Ông Roh Tae-woo là người có công trong việc xin đăng cai thế vận hội Olympic 1988. Nhưng ông lại bị tòa tuyên án tới 22 năm tù. Mãi đến năm 1997, ông Roh Tae-woo mới được ra tù sau cuộc hội ý giữa cựu Tổng thống Kim Young-sam và cựu Tổng thống Kim Dae-jung. Tuy được phóng thích trước thời hạn nhưng ông Roh Tae-woo vẫn phải bán đấu giá nhiều tài sản để nộp theo yêu cầu của tòa. Không những gặp khó khăn trong cuộc sống, ông Roh Tae-woo còn phải khổ bởi con gái bị tòa án Mỹ phạt tù vì tội đem trái phép 190.000 USD tiền mặt vào Mỹ (1993).

Ông Chun Doo-hwan là Tổng thống đầu tiên chấp nhận tiến hành bầu cử trực tiếp (do sức ép của phong trào dân chủ sinh viên), nhưng lại phải vào sống trong chùa nơi rừng sâu suốt 2 năm sau khi rời nhiệm sở. Thậm chí còn bị Tổng thống Kim Young-sam bắt, xét xử với mức án tử hình. Sau mấy năm ngồi tù, tháng 4-1997, cơ quan kiểm sát tiếp tục buộc ông Chun Doo-hwan phải nộp 220,4 tỷ won (khoảng 200 triệu USD), nhưng cựu Tổng thống chỉ nộp được 31,4 tỷ won. Mặc dù được giảm án xuống chung thân, nhưng mãi tới năm 1997 ông Chun Doo-hwan mới được thả tự do.

Tại vị lâu nhất, nhưng lại bị chết vì ám sát, đó là hồi kết của ông Park Chung-hee. Ông Park Chung-hee trở thành Tổng thống (1963) sau khi tiến hành đảo chính quân sự thành công (1961). Nhờ sửa đổi hiến pháp (1972) nên ông Park Chung-hee trở thành Tổng thống tại vị lâu nhất (18 năm), nhưng lại có kết cục bi thảm nhất. Tháng 10-1979, Park Chung-hee bị Giám đốc tình báo Kim sát hại khi tới dự một bữa tiệc tại trụ sở của Cục tình báo. Quý tử độc nhất của Tổng thống Park Chung-hee đã khiến ông vô cùng xấu hổ nơi chín suối bởi cậu ấm phải ngồi tù tới 5 lần vì tội tiêm chích ma túy.

Từng là thủ lĩnh phong trào đấu tranh, đòi độc lập, bị bắt, bị tù, lưu vong tại Mỹ và trở thành Tổng thống, nhưng ông Syngman Rhee lại bị đảo chính. Sau đó trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên phải sống lưu vong và chết nơi đất khách quê người (tại Mỹ năm 1965).

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)