Nữ đặc nhiệm Afghanistan

ANTĐ - Núp sau hàng rào gỗ, nữ trung sĩ Sara Delawar, 27 tuổi, nhắm bắn bằng khẩu súng trường M-4 vào mục tiêu giả định trong phần huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm Afghanistan. Sara từng là cảnh sát tại tỉnh Jowzjan, cô cho biết muốn gia nhập lực lượng nữ đặc nhiệm để tham gia vào các cuộc tập kích ban đêm chống quân nổi dậy. 

Các nữ đặc nhiệm tham gia buổi huấn luyện đột kích tại Kabul

Huấn luyện gian khổ

Nói trôi chảy 4 tiếng địa phương, Sara là một trong số các nữ binh sĩ được huấn luyện chiến đấu và thực hiện các cuộc đột kích vào ban đêm. Cũng giống như Sara, Lena Abdali, 23 tuổi phải trải qua các chương trình huấn luyện gian khổ. Trong bộ quân phục, Abdali phải mang theo vũ khí hạng nặng chạy dọc các đỉnh núi phủ đầy tuyết, những con đường chưa lát đá dưới cái nóng thiêu đốt của mùa hè và di chuyển trên những con đường mòn gồ ghề tại các khu vực hẻo lánh. 

Vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, một đơn vị đặc nhiệm Afghanistan gồm 30 binh sĩ nam giới và phụ nữ, tham gia buổi huấn luyện tại một trung tâm đào tạo ở ngoại ô Thủ đô Kabul. Như một phần của bài tập, đơn vị đã được thông báo rằng một chỉ huy quân nổi dậy đang ẩn nấp trong một căn nhà cùng với phụ nữ và trẻ em. Các binh sĩ nam giới được lệnh chuẩn bị đột kích ngôi nhà để bắt giữ hoặc tiêu diệt mục tiêu. Trong khi đó, Abdali cùng 2 nữ đồng nghiệp khác có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em bên trong ngôi nhà trong quá trình đột kích. Thế nhưng, phần nguy hiểm nhất đối với các nữ đặc nhiệm là khả năng mục tiêu chính có thể cải trang trà trộn trong số phụ nữ bởi vậy Abdali cùng các đồng nghiệp phải luôn cảnh giác để không bị tấn công trong khi vẫn đưa những phụ nữ và trẻ em tới nơi an toàn. “Nếu nam giới có thể thực hiện nhiệm vụ này tại sao chúng tôi lại không”, Lena Abdali, một trong những người đầu tiên gia nhập lực lượng nữ đặc nhiệm Afghanistan cho biết.

Nhiệm vụ không dễ dàng

Khi nhận lệnh hành quân, ngay lập tức đơn vị của Abdali di chuyển thành đội hình tới 6 chiếc xe thiết giáp. Trên đường đi, chỉ huy mô tả ngôi nhà nơi thủ lĩnh phiến quân Taliban được cho là đang ẩn nấp và hướng dẫn họ cách thức bao vây ngôi nhà và bắt giữ kẻ tình nghi. Khi đến gần mục tiêu, lực lượng đặc nhiệm bò lên một khu đất phủ đầy tuyết dẫn tới ngôi nhà. Một binh sĩ cầm loa hô to yêu cầu đối tượng tình nghi đầu hàng. Nhưng mục tiêu vẫn im lặng cố thủ bên trong. Ngay sau đó, chỉ huy ra lệnh “Tấn công”. Sau cuộc đấu súng ác liệt, 4-5 binh sĩ đặc nhiệm đã vào ngôi nhà còn các nữ đặc nhiệm lo an toàn cho phụ nữ và trẻ em rồi cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. 

Các cuộc đột kích được các lực lượng Mỹ và Afghanistan phối hợp thực hiện, nhưng các nữ đặc nhiệm Afghanistan đóng vai trò quan trọng. Công việc của họ là tập hợp phụ nữ và trẻ em rồi đưa họ tới địa điểm an toàn; ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ những kẻ đánh bom tự sát do nữ giới thực hiện hay các phiến quân giả dạng nữ giới. Tướng Mohammad Zahir Azimi, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan, cho biết, hơn 1.000 phụ nữ đã gia nhập quân đội nước này, chiếm một phần nhỏ trong tổng số 195.000 binh sĩ Afghanistan.

Rào cản văn hóa

Các cuộc tập kích bất ngờ vào ban đêm nhằm truy bắt quân nổi dậy của binh sĩ nước ngoài từ lâu đã làm dấy lên tâm lý chống phương Tây ở quốc gia Nam Á này, nơi người dân địa phương cho rằng chúng xâm phạm quyền riêng tư của họ, đặc biệt là phụ nữ. 

Cần thiết là vậy nhưng để trở thành những nữ đặc nhiệm như Abdali không phải là điều dễ dàng. Một phụ nữ tham gia tập kích ban đêm với nam giới trong một xã hội bảo thủ như Afghanistan vẫn là điều không thể chấp nhận. Trước khi tham gia các hoạt động của quân đội, bản thân nữ binh sỹ phải đấu tranh với gia đình, họ hàng và những người không tán đồng công việc của họ.

Bất kể cô gái nào có người thân trong gia đình liên can mật thiết với phe Taliban đều không được tuyển chọn. Ưu tiên cho vợ hay chị, em của những quân nhân hay viên chức hiện phục vụ trong chế độ của Tổng thống Hamid Karzai. Sau khi kinh qua bài thi viết, họ phải trải qua kỳ thi vấn đáp với các câu hỏi về tác nghiệp, lòng trung thành với tổ quốc... Chương trình huấn luyện theo chuẩn của NATO và Mỹ, họ được học rất kỹ về khả năng hoạt động tình báo. Thời khóa biểu cũng có quy định giờ học tiếng Anh, tiếng Pháp. Động thái này là một bước đột phá mới trong một xã hội bảo thủ và nhằm lấp “lỗ hổng” sau khi lực lượng NATO rút khỏi Afghanistan theo kế hoạch vào năm 2014.