Liên Hợp Quốc kêu gọi ăn... côn trùng

ANTĐ - Ăn côn trùng là một trong những biện pháp hiệu quả để chống nạn đói toàn cầu, một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc tuyên bố. Theo đó, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), khẳng định rằng ăn côn trùng là cách để con người tăng cường dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường.

Ảnh: Internet

“Hơn hai tỷ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cảm giác ghê sợ côn trùng của người dân các nước phương Tây vẫn là một rào cản đối với nỗ lực biến côn trùng thành thực phẩm", báo cáo của FAO cho hay.

Báo cáo nhắc lại rằng côn trùng là loại thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Nhộng ong, bọ xít, nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, cà cuống, bọ cạp và nhiều loài côn trùng khác là thực phẩm khá phổ biến tại các  nước đang phát triển. 

Các chuyên gia về dinh dưỡng của tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã nhận thấy việc nuôi và tiêu thụ các loại côn trùng ăn được mang lại nguồn lợi không nhỏ. Trước hết là về nguồn lợi dinh dưỡng. Cùng một trọng lượng tương đương thì côn trùng có thể có giá trị dinh dưỡng ngang với nhiều loại thực phẩm như thịt, trứng. Ông Serge Verniau, một nhà nghiên cứu nông học Pháp thuộc FAO khẳng định: “Trong loài dế có chứa lượng protein ngang với trứng và giá trị năng lượng thì tương đương với cá”. Chuyên gia dinh dưỡng này còn cho biết thêm hàm lượng sắt có trong dế còn cao gấp đôi thịt bò. 

Một nguồn lợi nữa là việc nuôi côn trùng không tốn kém và hiệu quả bảo vệ môi sinh cao hơn so với việc chăn nuôi các gia súc truyền thống. Côn trùng có nhiều protein hơn gia súc, quá trình nuôi tiêu tốn ít chi phí, tiêu thụ nước ít hơn và không thải ra nhiều khí CO2. Trong khi đó việc chăn nuôi và sản xuất thịt giờ đây đang ngày càng trở thành một gánh nặng cho ngành nông nghiệp thế giới.

Theo FAO, mô hình thực phẩm của phương Tây sẽ không đủ đáp ứng cho 9 tỷ người trên hành tinh vào năm 2050. Các chuyên gia ở tổ chức này đã nghiên cứu hướng chăn nuôi đại trà côn trùng để làm nguồn thực phẩm nuôi sống dân cư thế giới. Đã có một danh sách thống kê hiện nay có tới hơn 1700 loại côn trùng có thể ăn được trên hành tinh. Thực phẩm từ côn trùng có nhiều lợi ích như giảm cholesterol trong máu, chống béo phì, bù đắp canxi cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Giờ đây việc “chăn nuôi” sâu bọ côn trùng làm thực phẩm còn mang lại một nguồn lợi kinh tế mới tại một số nước trên thế giới. FAO nhận định rằng, ngành công nghiệp thực phẩm có thể góp phần vào việc nâng cao vị thế của côn trùng bằng cách đưa chúng vào các công thức chế biến món ăn và thực đơn nhà hàng.

Đâu đó trong các xưởng chế biến thực phẩm ở châu Âu hay Mỹ, đã bắt đầu xuất hiện nhiều loại sản phẩm từ côn trùng pha chế vào trong các sản phẩm thực phẩm thông dụng, ví dụ món giả thịt steak từ proteine côn trùng. Nhiều xí nghiệp nhỏ còn có sáng kiến đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khá độc như kẹo mút là từ bò cạp, châu chấu xông khói. Các nhà nông học của FAO cho biết ở châu Âu, Hà Lan là nước đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ côn trùng. Theo các chuyên gia thì chăn nuôi và chế biến côn trùng trong tương lai sẽ trở thành một mắt xích trong dây chuyền thực phẩm của loài người, không chỉ để bù đắp cho sự thiếu cái ăn mà còn vì côn trùng là một món ăn bổ dưỡng và ngon.

Báo cáo của FAO kêu gọi các nước thay đổi luật và cách thức sản xuất để người dân thường xuyên sử dụng côn trùng làm thực phẩm. “Việc ăn côn trùng trên quy mô lớn là một thói quen bền vững về mặt kỹ thuật. Côn trùng sẽ là nguồn cung cấp protein tốt nhất để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số như hiện nay”.