Chống tham nhũng lên giảng đường

ANTĐ - Tham nhũng được xem là một trở ngại đáng kể cho sự phát triển của Indonesia nên chính vì thế mà quốc gia của 17 nghìn hòn đảo này đã quyết định đưa nội dung chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường.

Indonesia sẽ đưa việc chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường

Vừa nhậm chức Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, ông Haryono Umar đã tuyên bố đưa vấn đề chống tham nhũng vào nội dung chương trình giảng dạy ở tất cả các cấp giáo dục của nước này từ năm 2012. Ông Umar vốn khá nổi tiếng ở Indonesia trước đó với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Indonesia (KPK), cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở nước này.

Ông Umar cho biết, ý tưởng đưa các giá trị chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp học ở Indonesia đã được thảo luận từ năm 2010. Hiện Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đang hợp tác với KPK để lên kế hoạch và nội dung đào tạo giảng viên trình độ đại học và việc đào tạo giảng viên cho cấp trung học sẽ được thực hiện vào giữa năm nay.

Việc Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia lên kế hoạch đưa việc chống tham những vào nội dung chương trình giảng dạy diễn ra trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng ở nước này dù đạt được nhiều kết quả song vẫn còn là một nạn lớn. 

Chính vì thế mà một trong những ưu tiên hàng đầu của Susilo Bambang Yudhoyono từ khi đắc cử Tổng thống năm 2004 tới nay là chống tham nhũng. Công cụ đắc lực KPK đã giúp Tổng thống Yudhoyono thực hiện điều mà ông tuyên bố “liệu pháp sốc” trong cuộc chiến bài trừ tệ nạn tham nhũng với hàng nghìn vụ án lớn nhỏ đã được thụ lý điều tra và tỷ lệ phá án cho đến nay là 100%.

Kể từ khi được thành lập năm 2003 tới nay, KPK đã điều tra và khởi tố 68 nghị sĩ, 10 bộ trưởng, 4 nhà ngoại giao cùng rất nhiều giám đốc điều hành và thẩm phán. Quyết tâm chống tham nhũng của Tổng thống Yudhoyono còn thể hiện qua việc cho bắt giam và xử 3 năm 6 tháng tù với  ông Aulia Pohan - cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia - vốn là thông gia của mình. 

Nhờ chính sách “bàn tay sắt”, tham nhũng tại Indonesia hiện đã thuyên giảm đáng kể so với thời ông Yudhoyono mới lên cầm quyền. Theo báo cáo điều tra những con số mà Tổ chức Chống tham nhũng ICW của Indonesia có thể thống kê được, tham nhũng chỉ còn gây thiệt hại cho nền kinh tế Indonesia 2.130 tỷ rupiah (238,6 triệu USD) trong năm 2011. 

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát thì con số thiệt hại thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều và chống tham nhũng vì thế sẽ vẫn là một trong những vấn đề nóng trong đời sống chính trị - xã hội và kinh tế ở  Indonesia từ nay tới khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào giữa năm 2014.