Nhật hạ thủy tàu sân bay mới, Trung Quốc lo sợ, phản đối

ANTĐ - Ngày 6-8, Nhật Bản đã hạ thủy chiếc tàu sân bay chở trực thăng lớn nhất kể từ Thế chiến II trị giá 1,2 tỷ USD nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại khu vực biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Buổi lễ diễn ra tại cảng Yokohama ở phía nam thủ đô Tokyo với sự tham dự của khoảng 3.600 người, trong đó có phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso.

Động thái này đã làm Trung Quốc bất an và ngay lập tức lên tiếng chỉ trích và cáo buộc Nhật Bản "liên tục" tăng cường sức mạnh quân sự. 

"Chúng tôi bày tỏ quan ngại về việc Nhật Bản không ngừng tăng cường trang thiết bị quân sự. Xu hướng này khiến các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế phải cảnh giác cao"- Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố ngay sau khi Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo- "Nhật Bản nên học hỏi từ lịch sử, tuân thủ chính sách tự vệ và tôn trọng lời hứa đi theo con đường phát triển hòa bình" 

Buổi lễ hạ thủy chiếc tàu sân bay chở trực thăng dài 248m này diễn ra khi chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe đang cân nhắc sửa đổi hiến pháp hòa bình và tăng cường sức mạnh quân sự của họ, đồng thời diễn ra ngay sau khi bộ quốc phòng Nhật Bản đề xuất thành lập các đơn vị tác chiến đổ bộ và mua máy bay trinh sát không người lái, tương tự như lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ, để bảo vệ chủ quyền các hòn đảo xa bờ của họ. 

Chiếc tàu sân bay chở trực thăng này, mang tên DDH-183 Izumo, có chiều dài 248m, rộng 38m, trọng lượng giãn nước 19.500 tấn, tải trọng tối đa 27.000 tấn, và có thể chở được 14 trực thăng. Để đóng chiếc tàu này, Nhật đã phải đầu tư 120 tỷ Yên, tương đương 8 tỷ Nhân dân tệ. Vì là tàu sân bay nên nó chỉ được trang bị  2 hệ thống phòng không tầm gần Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không Ram.

Tàu sân bay DDH-183 Izumo lớp 22DDH trong lễ hạ thủy

Dự kiến tàu sẽ được biên chế hoạt động vào năm 2015 và Nhật Bản có kế hoạch sẽ sử dụng nó tại biển Hoa Đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sau nhiều vụ đụng độ với Trung Quốc, nước cũng đã gia tăng và thể hiện tham vọng quân sự trong những năm gần đây.

Lễ hạ thủy diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 68 ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, nhưng Tokyo cho là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì cho đó là ngày đẹp trời và có thủy triều thuận lợi.

Theo bộ quốc phòng Nhật Bản, chiếc tàu sân bay do chính Nhật Bản chế tạo này trong thời gian kỷ lục thế giới là 2 năm, chứng tỏ trình độ công nghiệp quốc phòng của Nhật quả thực xứng đáng đứng hàng đầu thế giới. Nó ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển và chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Điều Trung Quốc lo sợ chính là việc tàu sân bay này
sẽ được trang bị máy bay chiến đấu F-35B

Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã biên chế chiếc tàu sân bay đầu tiên đi vào hoạt động, như là một biểu tượng sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, tàu sân bay Liêu Ninh vẫn cần phải có một biên đội tàu bao gồm các tàu ​​khu trục, khinh hạm và tàu ngầm hỗ trợ trong khi các máy bay chiến đấu vẫn cần phải huấn luyện nhiều hơn nữa để có thể hoạt động được trên tàu sân bay.

Trong khi đó, Nhật chỉ cần có 2 năm để đóng tàu sân bay này theo đúng quy chuẩn của tàu đổ bộ tấn công Mỹ và sắp tới sẽ khởi đóng chiếc thứ 2. Trên thực tế, tàu sân bay lớp 22DDH này có thể loại bỏ hầu hết máy bay trực thăng để biên chế 10 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) F-35B.

Sau khi nó chính thức bắt đầu hoạt động thì chiếc thứ 2 có khả năng sẽ được hạ thủy. Khi đó, cùng với các tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga, tàu đổ bộ tấn công lớp Osumi, tàu vận tải đổ bộ lớp Shimokita..., cán cân lực lượng hải quân Trung - Nhật sẽ có sự chênh lệch rõ nét. Vì vậy, việc DDH-183 Izumo hạ thủy đã làm Trung Quốc lo sốt vó.