Mỹ tung “thuyết khách F-35” trấn an đồng minh

ANTĐ - Trong mấy ngày qua các quan chức cao cấp và người đứng đầu các bộ phận của Văn phòng dự án F-35 và Công ty Lockheed Martin đã bắt đầu chuyến “du thuyết” đến hàng loạt nước, bắt đầu từ Hà Lan để “nâng cao lòng tin” của Chính phủ các nước này đối với dự án F-35.

Ông Christopher Bogdan, một quan chức cao cấp trong Dự án F-35 đã đến Hà Lan theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và Ủy ban quốc phòng thuộc Quốc hội Hà Lan để giới thiệu những thông tin mới nhất về dự án, bao gồm: Tiến độ nghiên cứu, giả cả và chi phí vận hành.

Trong buổi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Hà Lan, ông Christopher Bogdan đã cho biết, ông thấu hiểu những lo lắng của chính phủ các nước tham gia “Dự án máy bay tấn công liên hợp F-35” (JSF) về vấn đề giá cả của nó và mối quan tâm lớn nhất của ông là giảm giá thành của sản phẩm.

Ảnh ghép cho thấy sự tốn kém trong dự án F-35

Ông cho biết thêm, Ban quản lý Dự án F35 đã ký hợp đồng đầu tiên với Công ty Pratt & Whitney để xác định chính xác giá thành của một động cơ F-135. Công ty Lockheed Martin cũng sẽ ký một hiệp định tương tự với văn phòng dự án vào tháng 6 tới, sao cho đơn giá mỗi chiếc F-35 không vượt quá 85 triệu USD.

Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Lockheed Martin là ông Steve O’Bryan, đồng thời là người phụ trách toàn bộ Dự án F-35 cho biết, 85 triệu USD là mức giá trung bình vào năm 2020. Còn ông Christopher Bogdan giải thích chi tiết: Chi phí bay mỗi giờ của F-35A cất cánh thông thường là 24.000 USD, chỉ cao hơn mức chi phí vận hành F-16 trong không lực Hoàng gia Hà Lan khoảng 10% mà thôi.

Nếu như Quốc hội Hà Lan quyết định mua F-35, sau năm 2019 loại máy bay này sẽ chính thức được biên chế trong không quân Hoàng gia Hà Lan. Tính đến thời điểm đầu năm 2013, Hà Lan đã chi ra 1,9 tỷ USD vào “Dự án máy bay tấn công liên hợp F-35”.

Hiện nay, quốc hội Hà Lan còn đang xem xét mua 1 số lượng nhỏ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trong số 3 loại máy bay chiến đấu F/A-18E/F “Super Hornet” của hãng Boeing - Mỹ, Rafale của Hãng Dassault Aviation - Pháp và Gripen E của Công ty Saab - Thụy Điển.