Cảnh giác với “Tham vọng biển xa 2013” của Trung Quốc

ANTĐ - Năm 2012, theo thống kê chưa đầy đủ, hải quân Trung Quốc đã ngừng sử dụng 22 tàu mặt nước các loại nhưng cũng hạ thủy 15 chiến hạm có lượng giãn nước trên 1000 tấn. 

Ngày 05/01/2013 vừa qua, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã có bài viết nhan đề: “Báo cáo phát triển hải quân Trung Quốc 2012: Thời cơ và thách thức”. Nội dung bài viết cho biết, với tổng số 15 tàu mặt nước đã hạ thủy trong năm 2012, hải quân Trung Quốc trở thành nước xếp thứ nhất về số lượng tàu đóng được trong 1 năm và tổng tải trọng đứng thứ 2 trên thế giới.

Tham vọng biển xa của Trung Quốc bắt đầu với tàu sân bay Liêu Ninh

Bài báo khẳng định, tốc độ đóng tàu khu trục của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để đứng thứ 2 sau Mỹ về cả số lượng lẫn chất lượng, đây là một bước ngoặt lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển hạm đội biển xa của Trung Quốc, thể hiện một thực tế không thể chối cãi: Hải quân Trung Quốc có đầy đủ khả năng và thực lực bảo vệ chủ quyền và lợi ích hải dương của Trung Hoa Đại Lục.

Bắt đầu sang năm 2013, hải quân Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xây dựng hạm đội tàu chiến hùng mạnh, một loạt tàu chiến hiện đại mới sẽ được khởi công chế tạo; các tàu tác chiến mặt nước mà nòng cốt là các tàu khu trục tên lửa cỡ lớn lớp 052D và một số loại tàu khu trục khác cũng đồng loạt ra khơi cùng thời điểm ra mắt các tàu ngầm thế hệ mới nhất; công tác nghiên cứu, chế tạo một loại tàu chiến hạng nặng khác cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng, trang bị, vũ khí của hải quân Trung Quốc sẽ bước sang thời đại “Cự hạm” (chiến hạm lớn).

Có thể nói, năm 2013 sẽ là năm bản lề trong chiến lược phát triển hải quân Trung Quốc với tham vọng trở thành đối trọng trên biển của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với chiến lược “tham vọng biển xa 2013”.

Ấn Độ cũng không hề kém cạnh với 2 tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Viraat

Năm 2012, sự phát triển của hải quân Trung Quốc được Mỹ quan tâm theo dõi sát sao. Trong một bản báo cáo công bố hồi tháng 8 (sau đó được sửa đổi vào tháng 10) có tiêu đề: “Hiện đại hóa hải quân Trung Quốc: đối chọi với khả năng của hải quân Mỹ”, Quốc hội Mỹ đã nhận định: Đến năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 4-5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 72 tàu ngầm tấn công; 2 hàng không mẫu hạm, mỗi chiếc có thể mang theo vài chục máy bay; 26 tàu khu trục và 42 tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn.

Quốc hội Mỹ nhận định, để đáp ứng yêu cầu tác chiến trên phạm vi toàn cầu, nhằm làm đối trọng với lực lượng hải quân hùng mạnh của Mỹ, hiện hải quân Trung Quốc đang phát triển đồng thời 3 loại năng lực mà họ đang còn nhiều khiếm khuyết là: năng lực vận tải chiến lược, năng lực tấn công tàu ngầm chiến lược và năng lực phòng thủ tên lửa hạm đội.

Hiện Trung Quốc đang có 3 cái gai trong lòng mà họ khó lòng giải quyết, đó tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, biển Hoa Đông và biên giới phía Nam với Ấn Độ, ngoài ra còn có “mối họa tâm phúc” là vấn đề Đài Loan. Với tham vọng của một nước lớn và sự ảo tưởng về sức mạnh tuyệt đối của mình, trong thời gian tới có thể Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chạy đua vũ trang, tăng cường quân bị hòng dùng sức mạnh quân sự đè bẹp các nước khác.

Nhật sẽ mua F-35 để tăng cường sức mạnh quân sự

Thế nhưng, chính điều đó sẽ làm họ bị cô lập trong khu vực, vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế cũng như chính nhân dân Trung Quốc và nhân dân Đài Loan. Các nước trong khu vực cũng không còn kiên nhẫn như trước, hiện Nhật Bản và Ấn Độ đang gấp rút tăng cường quân lực, tìm kiếm đồng minh làm đối trọng với Trung Quốc mà thực lực của 2 nước này cũng không hề kém cạnh Trung Quốc, các nước nhỏ hơn cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn. Không cẩn thận, Trung Quốc sẽ mất tất cả!