BrahMos – "mãnh thú" không thể ngăn chặn

ANTĐ - Tên lửa siêu vượt âm BrahMos của Ấn Độ lại một lần nữa chứng tỏ sức công phá khủng khiếp của mình khi xuyên thủng thân một con tàu rồi mới phá tan nó.

Ngày 09/01, tờ “Thời báo Ấn Độ” (Hindustan Times) cho biết, Ấn Độ đã thử nghiêm thành công tên lửa siêu vượt âm BrahMos có tầm bắn 290km. Quả tên lửa hành trình siêu vượt âm có tính năng cơ động rất cao này được phóng đi từ khu vực bờ biển phụ cận Visakhapatnam ở vịnh Bengal.

Ông A Sivathanu Pillai, Giám đốc điều hành công ty BrahMos Aerospace cho biết: “Vào lúc 09h30 ngày 09/01, tên lửa BrahMos đã điểm hỏa bay lên theo đúng ý tưởng tác chiến đã định. Trong hành trình, nó 2 lần cơ động đổi hướng bay như một con rắn rồi lao đến tàu mục tiêu, điểm chạm là phần thân tàu cách mặt nước đúng 1m. Do tốc độ bay cực lớn, lực xuyên phá rất mạnh nên nó đã xuyên thủng con tàu rồi mới phá hủy mục tiêu”.

Đây là lần phóng thử thành công lần thứ 34 của Ấn Độ, thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2012. Khi đó, hải quân Ấn Độ cũng bắn thử thành công loại tên lửa này trên tàu khu trục tên lửa lớp “Tiger”. Thông tin thêm cho biết, sau khi kết thúc thử nghiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Anthony đã đến chúc mừng thuyền trưởng tàu thử nghiệm và “nhóm công tác BrahMos”.

Biến thể BrahMos-A trang bị cho máy bay tiêm kích Su-30MKI đã biến nó trở thành
máy bay tiêm kích hàng đầu thế giới.

Rất ít người biết BrahMos là sản phẩm của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli), được Moscow chế tạo riêng cho New Dehli trên cơ sở loại tên lửa đối hạm siêu âm nổi tiếng P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx) thuộc tổ hợp tên lửa bờ đối hải K-300P Bastion (hiện Việt Nam cũng có hệ thống tên lửa bờ đối hạm này). Cái tên “BrahMos” được ghép và viết tắt từ tên hai con sông: Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga. Chính vì vậy, người Ấn luôn viết hoa từ "Mos" trong chữ BrahMos.

Siêu tên lửa này có tầm bắn 300km, đầu đạn nặng 250km, bay trên độ cao tối đa 14km, thông thường 10km với vận tốc chạm ngưỡng siêu vượt âm, gấp hơn 3 lần vận tốc của tên lửa hành trình cận âm Tomahawk của Mỹ. Các quy định về vận tốc tên lửa như sau: dưới Mach1 là tốc độ hạ âm, từ Mach1 - Mach3 là siêu âm, từ Mach3 - Mach5 là siêu vượt âm và từ Mach5 trở lên được quy định là tốc độ siêu thanh.

Điểm ưu việt nhất của BrahMos được phóng theo cơ chế bắn - quên, tức là sau khi phóng đi không cần thêm bất kỳ một điều khiển nào khác, nó tự động nhận tính hiệu định vị từ vệ tinh rồi tự thân vận động đến mục tiêu, trên đường bay nó còn có khả năng biến tốc và đổi hướng 2 lần để tránh sự phát hiện của radar phòng thủ tên lửa đối phương.

Phiên bản BrahMos chở trên xe cơ động phóng trên mặt đất

Trên hành trình bay, BrahMos có thể tiếp nhận 2 kênh điều khiển của 2 loại vệ tinh khác nhau, vừa bay theo điều khiển của tín hiệu GPS của vệ tinh Mỹ, vừa có thể hành trình theo sự dẫn đường của hệ thống thông tin vệ tinh GLONASS của Nga. Vào cuối đường bay, nó tự động ngắt các liên hệ với vệ tinh và tự động hạ thấp độ cao xuống 5-15m so với mặt biển, kích hoạt đầu dẫn tự động, định vị mục tiêu chính xác tới cự ly hàng mét, đảm bảo không một mục tiêu nào có thể chạy thoát.

Hải quân Ấn Độ bắt đầu thử nghiệm tên lửa BrahMos từ năm 2005. Họ dự định ưu tiên trang bị nó trên lớp tàu khu trục tên lửa “Rajput”, sau đó mới trang bị cho các loại tàu chiến khác. Hiện BrahMos đã có đủ 3 biến thể phóng từ trên bộ, trên không và trên hạm, cùng với tốc độ bay cực nhanh, khả năng biến tốc, đổi hướng và độ cao bay đoạn cuối sát mặt biển, nó không để các hệ thống phòng thủ tên lửa có cơ hội phát hiện chứ đừng nói là đánh chặn. Có thể nói, đây là một trong những dự án thành công nhất trong lịch sử hợp tác công nghiệp quốc phòng Nga - Ấn.