20 khoảnh khắc ngớ ngẩn suýt khai màn chiến tranh hạt nhân (1)

ANTĐ - Gần đây, sự cố Israel phóng tên lửa đạn đạo từ Địa Trung Hải vào khu vực bờ biển Syria mà không thông báo trước đã khiến Nga nổi giận, cảnh báo nước này về những hậu quả có thể xảy ra từ sự cố này, do những hiểu lầm không đáng có. Nhân sự kiện này, trang mạng “Hòa Bình” của Canada cũng đã lần đầu tiên công bố 20 sự việc “ngộ nhận” đã khiến thế giới suýt lâm vào chiến tranh hạt nhân.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, kho vũ khí hạt nhân của 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô đủ để tiêu diệt thế giới hàng chục lần. 2 cường quốc cũng hiểu cái giá phải trả nếu chiến tranh hạt nhân bùng phát, nên họ cũng đã có những biện pháp để đề phòng tối đa những sai sót có thể xảy ra. Tuy vậy, cũng có những sự cố không thể lường trước được hoặc những sai sót “dở khóc dở cười”, khiến hai nước đã nhiều lần đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân.

1. Ngày 05-11-1956, do nhận được những thông tin tình báo trái ngược nhau, 2 nước Anh và Pháp đã tấn công quân đội Ai Cập trên kênh đào Suez, chính phủ Liên Xô đã đưa ra kiến nghị với chính phủ Mỹ, quân đội 2 nước sẽ liên hợp ngăn chặn, đồng thời Liên Xô đe dọa Anh và Pháp cần xem xét hậu quả của một cuộc tấn công tên lửa vào Paris và London.

Ngay buổi tối hôm đó, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu đã nhận được một bản báo cáo tin tức tình báo gồm 4 nội dung:

Một: Một vật thể bay không rõ lai lịch đã bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, khiến phòng không, không quân nước này được đặt trong tình trạng báo động.

Hai: Phát hiện 100 chiếc máy bay MiG-15 của không quân Liên Xô bay trên không phận Syria.

Ba: Một chiếc máy bay ném bom của không quân Anh bị bắn rơi trên bầu trời Syria.

Bốn: Một biên đội tàu chiến Liên Xô đang đi qua eo biển Dardanelles.

Thông tin tình báo ngớ ngẩn này đã khiến NATO phải vạch ra một kế hoạch đáp trả hạt nhân đối với Liên Xô. Tuy nhiên, sau đó bản báo cáo này đã được xác minh lại và nó cho kết quả như sau:

Một: Một đàn ngỗng trời đã bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là “vật thể bay lạ”.

Hai: Tổng thống Syria trở về nước sau chuyến thăm Moscow, không quân nước này (chủ yếu là máy bay MiG-15 của Liên Xô) bay lên hộ tống.

Ba: Chiếc máy bay ném bom của Anh gặp sự cố máy máy móc nên bị rơi chứ không phải phòng không Syria bắn hạ.

Bốn: Biên đội tàu chiến Liên Xô tiến hành diễn tập theo thông lệ.

20 khoảnh khắc ngớ ngẩn suýt khai màn chiến tranh hạt nhân (1) ảnh 1
Tên lửa đạn đạo liên lục địa kiểu cơ động Topol-M của Nga

2. Ngày 24-11-1961, do máy phát điện quá nhiệt đã gây ra sự cố thông tin làm gián đoạn toàn bộ các hệ thống liên lạc giữa Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ và Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ, toàn bộ các căn cứ không quân chiến lược Mỹ được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Máy bay B-52 mang theo vũ khí hạt nhân đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, một trạm liên lạc trung gian của Mỹ ở Colorado đã phát sinh sự cố này, làm gián đoạn liên lạc.

3. Ngày 23-08-1962, một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, mang theo vũ khí hạt nhân đang tiến hành hoạt động bay tuần theo thông lệ. Do trục trặc ở hệ thống dẫn đường nên nó đã bay lệch so với hướng bay khoảng 20 độ, lạc vào không phận Liên Xô, cách đó khoảng 400 dặm có 1 căn cứ máy bay đánh chặn của không quân Xô Viết. Một khi phía Liên Xô cho rằng, máy bay ném bom chiến lược Mỹ mang vũ khí hạt nhân uy hiếp, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa quyết liệt đối với Washington. Rất may là sau đó viên phi công đã kịp nhận ra sai sót và lập tức bay ra khỏi không phận Liên Xô.

4. Ngày 10-08-1962, một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ nhận lệnh trinh sát một tuyến bay mới xuyên qua Bắc Cực. Vì một số thiết bị hiển thị sai lệch do ảnh hưởng của hiện tượng cực quang, nó đã bay tới tận bán đảo Chukotka của Liên Xô. Các máy bay tiêm kích đánh chặn của Liên Xô được lệnh bắn hạ U-2. Mỹ cũng điều động các máy bay chiến đấu F-102A (có mang theo vũ khí hạt nhân) bay lên hộ tống chiếc U-2 nhanh chóng đào thoát về Alaska.

5. Ngày 24-10-1962, một vệ tinh của Liên Xô được phóng lên không trung. Sau khi bay đến quỹ đạo đã định không lâu, đột nhiên nó phát nổ làm Mỹ nhầm tưởng Liên Xô phát động một cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sự việc này được xác minh ngay sau đó nên không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

6 và 7. Khủng hoảng tên lửa Cu Ba khiến cho cả NATO và Mỹ đều nâng cấp lực lượng vũ khí hạt nhân và lực lượng phòng thủ tên lửa. Tư lệnh Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đã nâng trạng thái sẵn sàng chiến đấu lên cấp 2, có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ của đối phương trong vòng 15 phút.

20 khoảnh khắc ngớ ngẩn suýt khai màn chiến tranh hạt nhân (1) ảnh 2
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman-3 của Mỹ rời bệ phóng

8. Ngày 25-10-1962, một con gấu đã suýt gây lên một sự kiện hạt nhân lớn. Đêm hôm đó, cảnh vệ của Trung tâm chỉ huy Minnesota đã nổ súng vào một kẻ lạ mặt đang trèo qua hàng rào bảo vệ, đột nhập vào Trung tâm. Phát súng đó đã vô tình kích hoạt “Hệ thống cảnh báo hành động phá hoại”, tín hiệu báo động dồn dập vang lên, các máy bay đánh chặn F106-A mang theo vũ khí hạt nhân được lệnh ra đường băng cất cánh. Lúc đó, một chiếc ô tô của chỉ huy Trung tâm lao ra đường băng, phát tín hiệu cho máy bay dừng lại, bởi vì người ta phát hiện kẻ đột nhập gây ra sự cố hỗn loạn là một… con gấu rất lớn.

9. Ngày 26-10-1962. Mỹ tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa tại căn cứ không quân Vandenberg ở California. Đây chỉ là hoạt động thử nghiệm tính năng bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa nên một tên lửa được lắp đặt đầu đạn giả hạt nhân. Vào lúc 04h sáng ngày 26, tuy không nhận được mệnh lệnh tiếp theo từ Washington nhưng quả tên lửa vẫn được phóng đi.

Giai đoạn này, Liên Xô và Mỹ liên tiếp xảy ra nhiều mâu thuẫn nên vụ thử nghiệm đã bị phía Liên Xô đã theo dõi chặt chẽ, từ khi nó phóng đi cho đến khi nó hoàn tất thử nghiệm. Sau khi xác định được quỹ đạo, điểm rơi của đầu đạn, họ mới yên tâm đây là 1 vụ phóng thử, hoàn toàn không có ý đồ gì nhằm vào Liên Xô.

10. Cũng ngày 26-10-1962, một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa khác của Mỹ đã gây ra sự hiểu lầm cho chính họ. Một quả tên lửa LGM-25 Titan-2 được phóng từ Florida bay tới nam Thái Bình Dương đã bị một trạm radar của Mỹ phát hiện. Do không nhận được thông báo gì nên trạm radar này đã phát tín hiệu báo động có tấn công tên lửa đạn đạo. Tuy vậy, các hoạt động đo đạc tiếp theo đã cho thấy đó chính là hoạt động phóng thử của quân đội Mỹ.

11. Ngày 26-10-1962, toàn bộ các tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman-1 đang chuẩn bị triển khai toàn diện tại căn cứ không quân Malmstrom lâm vào tình trạng hỗn loạn, do cảnh báo tên lửa sai, làm toàn bộ số tên lửa này liên tục khởi động rồi lại giải trừ tình trạng báo động.

 (Còn nữa)