Thấy gì qua cuộc cạnh tranh thương hiệu G7 và NESCAFE?

(ANTĐ) - Cuộc cạnh tranh quyết liệt lâu nay giữa hai nhãn hiệu G7 và Nescafe là một trường hợp đặc biệt không chỉ vì sự dám đối đầu của một thương hiệu Việt với một thương hiệu hàng đầu thế giới mà còn khiến Nescafe phải thay đổi chiến lược tại thị trường Việt Nam.

Thấy gì qua cuộc cạnh tranh thương hiệu G7 và NESCAFE?

(ANTĐ) - Cuộc cạnh tranh quyết liệt lâu nay giữa hai nhãn hiệu G7 và Nescafe là một trường hợp đặc biệt không chỉ vì sự dám đối đầu của một thương hiệu Việt với một thương hiệu hàng đầu thế giới mà còn khiến Nescafe phải thay đổi chiến lược tại thị trường Việt Nam.

Trung Nguyên ra mắt thương hiệu G7 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM)
Trung Nguyên ra mắt thương hiệu G7 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM)

Khi kẻ khổng lồ lúng túng

Với tâm lý của kẻ mạnh, đi trước, sau khi chính thức vào thị trường Việt Nam, thương hiệu Nescafe đã nhanh chóng đánh bạt vị trí độc tôn của Vinacafe để dẫn đầu. Với khẩu hiệu toàn cầu “Khởi đầu ngày mới” truyền thông rầm rộ, Nescafe được xem là người dẫn dắt, đem “hương vị cà phê toàn cầu” giới thiệu rộng rãi cho người tiêu dùng Việt.

Thế nhưng, sự thay đổi cục diện thị trường ngành cà phê Việt Nam đã phá vỡ giấc mơ nhanh chóng thôn tính thị trường của những tập đoàn đa quốc gia. Ngay sau thời điểm thương hiệu cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên ra đời với lời kêu gọi ủng hộ thương hiệu nông sản Việt Nam, Nescafe buộc thay đổi slogan của mình, từ “Khởi đầu ngày mới” qua “100% cà phê Việt Nam” với chiến dịch truyền thông “Hương vị Việt Nam hơn”.

Đặc biệt, với phương pháp “thử mù” (blind test) trong ngày đưa ra nhãn hiệu G7 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM) cho kết quả 89% người tiêu dùng chọn G7 và 11% còn lại chọn Nescafe, đã khẳng định chất lượng của sản phẩm cà phê 100% Việt Nam đích thực. Việc Nescafe cho ra đời Nescafe Việt chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam là sự kiện chưa từng có trong lịch sử phát triển của Nescafe. Đây là lần đầu tiên Nescafe phải tạo ra một sản phẩm riêng biệt để đáp ứng người tiêu dùng, cạnh tranh cùng thương hiệu địa phương.

Cuộc cạnh tranh cam go của thương hiệu Việt

Sự thay đổi thông điệp, chiến lược của Nescafe cho thấy quyết tâm đeo bám và cạnh tranh gay gắt của thương hiệu đa quốc gia này đối với thương hiệu cà phê Việt Nam. Trong thực tế, với tiềm lực sẵn có về tài chính, nguồn lực, kinh nghiệm, hệ thống phân phối… Nescafe đã triển khai nhiều hoạt động khuyến mại, tiếp thị hạ giá bán xuống rất thấp, tạo lợi thế cạnh tranh về giá so với G7 - đây là một chiêu thức thường có của các thương hiệu quốc tế áp dụng đối với thị trường nội địa, nhằm dùng mọi nguồn lực ngăn cản nỗ lực vươn lên của các thương hiệu nội địa. Trước đó, sau ngày hội tung G7, Nescafe ồ ạt quảng cáo trên truyền hình, tại điểm bán, thực hiện các chương trình khuyến mãi rầm rộ mà bất kỳ doanh nghiệp Việt nào cũng không thể theo kịp.

Sự cạnh tranh trong từng câu chữ truyền thông cũng được Nescafe thực hiện triệt để. Khởi đầu, G7 “Giúp suy nghĩ mạnh hơn”, Nescafe đưa ra “Ngon hơn, vị cà phê mạnh hơn”. Phản công, G7 “Vị cà phê cực mạnh”, đáp lại, Nescafe “Bạn đã đủ mạnh để thử” để cuối cùng G7 2in1, “Mạnh chưa đủ, phải đúng gu”...

Ai sẽ là người quyết định?

Trong cuộc cạnh tranh của G7 & Nescafe, về chất lượng sản phẩm nếu bỏ qua những thông tin về thương hiệu, về nguồn gốc xuất xứ, con số 89% và 11% phải chăng đã nói rõ điều cần nói. Hơn nữa, tinh thần G7, một thương hiệu Việt luôn đeo đuổi chấp nhận những khó khăn vì quyền lợi của những thương hiệu nông sản Việt Nam, cho nền kinh tế quốc gia, khơi dậy niềm cảm hứng, niềm tin cho các thương hiệu Việt khác, xây dựng niềm tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân xứng đáng để được cổ vũ.

Khát vọng và nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp Việt nhằm làm rạng danh thương hiệu Việt rất cần sự ủng hộ và chính tấm lòng yêu hàng Việt, sự thức tỉnh về nhận thức của người tiêu dùng Việt là liều vaccine mạnh nhất tăng sức đề kháng về nhận thức, về hành động - dù rất nhỏ của người dân Việt. Đâu là câu trả lời đúng vì lợi ích của đất nước, vì niềm tự hào của dân tộc, chỉ có người tiêu dùng Việt biết. Và cũng chính ý thức của người tiêu dùng sẽ quyết định thắng lợi thuộc về ai trong cuộc cạnh tranh quyết liệt và lâu dài này. Bởi sự thấu hiểu và tin tưởng, ưu tiên chọn tiêu dùng sản phẩm thương hiệu nào là quyền quyết định cuối cùng của người tiêu dùng Việt.                  

Giang Hà