Người tiêu dùng VN đều "dễ tính"!

(ANTĐ) - Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều "dễ tính" và chưa có ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình - Đó là thông tin được đưa ra trong buổi tọa đàm "Chất lượng sữa với người tiêu dùng" được tổ chức hôm qua (27-4).

Người tiêu dùng VN đều "dễ tính"!

(ANTĐ) - Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều "dễ tính" và chưa có ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình - Đó là thông tin được đưa ra trong buổi tọa đàm "Chất lượng sữa với người tiêu dùng" được tổ chức hôm qua (27-4).

Theo các chuyên gia có mặt tại buổi tọa đàm, hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất sữa nội mới chỉ chiếm 30% thị phần, trong khi đó, sản phẩm ngoại chiếm tới 70% thị phần. Hơn nữa, những sản phẩm ngoại nhập có giá cao hơn rất nhiều so với sản phẩm nội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thông tin đa chiều về chất lượng sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa nhiễm melamine, sữa nghèo đạm, chất lượng không đúng như ghi trên bao bì... khiến nhiều người tiêu dùng thiếu tin tưởng vào chất lượng sữa sản xuất trong nước. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp chân chính và gây hoang mang trong dư luận, khiến người dân hạn chế sử dụng sữa trong khi sữa là sản phẩm có lãi rất cao và nhu cầu còn rất lớn.

Bảo vệ người tiêu dùng là biện pháp sống còn để bảo vệ doanh nghiệp!
Bảo vệ người tiêu dùng
là biện pháp sống còn để bảo vệ doanh nghiệp!

Trước câu hỏi làm thế nào để tăng thị phần của sữa nội, nhiều doanh nghiệp đã cho biết, đó là một câu hỏi khó khi hiện tại họ còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Vì lợi nhuận, đã có không ít doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư vào ngành sữa, tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm quản lý nên dẫn tới tình trạng chất lượng sữa không đảm bảo và gây tai tiếng trong ngành sữa như thời gian vừa qua. 

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng thiếu tin tưởng vào chất lượng sữa, không những thế, họ lại chưa hiểu hết về quyền lợi của mình trong tiêu dùng.

Theo TS. Vũ Thị Bạch Nga, trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương): "Một trong các nguyên nhân của sự vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là do bản thân người tiêu dùng chưa có ý thức khiếu nại, tố cáo đối với vi phạm của doanh  nghiệp và chế tài xử lý vi phạm vừa thiếu vừa chưa đủ tính răn đe".

TS. Vũ Thị Bạch Nga đã chỉ ra rằng, không chỉ riêng với sản phẩm sữa, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam rất "dễ tính" trong tiêu dùng, nếu chẳng may mua phải một sản phẩm hỏng, họ rất dễ "úi xùi", "chẹp miệng cho qua", mà quên đi mất họ có quyền lợi riêng chính đáng của mình.

Trước "mênh mông bể sữa" thế này, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, có dịch vụ xử lý khiếu nại của người tiêu dùng, có tinh thần trách nghiệm cao với xã hội
Trước "mênh mông bể sữa" thế này, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, có dịch vụ xử lý khiếu nại của người tiêu dùng, có tinh thần trách nghiệm cao với xã hội

Tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Thị Bạch Nga kể trường hợp, một nữ tiêu dùng trong TP. HCM mua phải một thùng sữa trong đó có một nửa thùng bị hỏng, chị đã kiến nghị lên công ty và được bồi thường. Chị tỏ ra rất tin tưởng trước thái độ của công ty nên vẫn tiếp tục dùng sản phẩm của họ. Sau đó ít lâu, chị lại mua một thùng sữa khác và gặp trường hợp tương tự.

8 quyền của người tiêu dùng: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được an toàn, quyền được thông tin, được lựa chọn, được lắng nghe, được bồi thường, được giáo dục về tiêu dùng, quyền được có môi trường lành mạnh và bền vững.

Chị lại kiến nghị, yêu cầu bồi thường, nhưng lần này, công ty không bồi thường, cho rằng chị "lằng nhằng", thấy được bồi thường một lần thì tiếp tục gây khó dễ cho công ty.

Từ đó, chị không những tẩy chay sản phẩm của công ty đó, mà còn gọi lên cho Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) về trường hợp của chị, cũng như là gửi ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng....!

Qua câu chuyện này, bà Nga nhận định rằng, Nếu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những rủi ro pháp lý cũng như có thể bị tẩy chay, bị đối thủ cạnh tranh khai thác để làm mất uy tín.... "Chỉ có bảo vệ người tiêu dùng mới là biện pháp sống còn để bảo vệ doanh nghiệp trong thời hội nhập!", bà Nga khẳng định.

TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Người tiêu dùng đang yếu thế trong tiếp cận xử lý thông tin, trong đàm phán, trong chi phối  giá cả và chịu rủi ro cao trong tiêu dùng sản phẩm mặc dù họ vẫn có tới 8 quyền".

Tại cuộc tọa đàm, ông cũng đưa ra thông điệp: "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn sữa và các sản phẩm từ sữa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng".

Các chuyên gia tại hội thảo cũng khuyến cáo: "Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, có dịch vụ xử lý khiếu nại của người tiêu dùng, có tinh thần trách nghiệm cao với xã hội".

Hà Anh