Thực lực của Trung Quốc và Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng tài chính gần đây đã khiến nước Mỹ rơi vào khó khăn nợ nần. Do kinh tế Mỹ đang rất khó khăn trong cuộc đại suy thoái 2008-2009, kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, nên nhiều học giả “Trung Quốc luận” đã cổ xúy cho “thuyết về sự thất bại toàn diện của Mỹ”.

Một học giả cho rằng thời kỳ hưng thịnh của Mỹ là năm 2000. Không chỉ có học giả Trung Quốc mới có quan điểm trên, Công ty Gold Sachs (?) cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trước 2027. Một kết quả điều tra trong dân chúng của 113 trong số 25 quốc gia cho rằng Trung Quốc sẽ thau thế Mỹ làm siêu cường đứng đầu thế giới. Thậm chí năm 2008, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đưa ra dự báo rằng vai trò chi phối của Mỹ sẽ giảm mạnh vào năm 2025. Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là cột mốc chứng tỏ địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã đi đến hồi kết, thậm chí lãnh tụ Đảng đối lập của Canada nói rằng thời kỳ phát triển cực thịnh và địa vị bá quyền của Mỹ trên thế giới đã kết thúc, vì vậy Canada phải mở rộng tầm nhìn trên phạm vi thế giới, chứ không nên hạn hẹp ở khu vực Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, cần ý thức được sự so sánh sai lầm trên, đồng thời thận trọng đánh giá xu thế lâu dài từ những sự kiện mang tính chu ký. Quốc gia khác với con người nên chu kỳ sức sống của quốc gia không thể dự đoán được. Chẳng hạn, khi nước anh mất đi thuộc địa của họ là Mỹ vào cuối thế kỷ VIII, Horace Walpole đã rất bi quan, cho rằng địa vị của Anh đã suy yếu, chỉ còn ngang hàng với những quốc gia kém cỏi như Đan Mạch và Vương quốc Sardegna. Ông không hề nhận thấy địa vị chi phối của nước Anh trong cuộc cách mạng công nghiệp kéo dài cả thế kỷ, thậm chí còn mạnh hơn. Đế quốc Roma cũng như vậy. Sau thời kỳ cực thịnh, Roma vẫn thống trị hơn 3 thế kỷ. Cho dù đến lúc đó, đế quốc này vẫn chưa chịu thần phục một quốc gia mới trỗi dậy nào mà lại bị diệt vong khi đi xâm lược các bộ tộc nhỏ bé xung quanh. Trên thực tế, nhiều người dự báo rằng Braxin, Trung Quốc hoặc Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ trong vài chục năm tới, nhưng mối đe dọa lớn hơn có thể đến từ sự tấn công của phần tử khủng bố hiện đại và tổ chức phi chính phủ.

Đương nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng sâu rộng đến “mô hình phố Wall”. Sự thiếu kiểm soát của các bộ ngành của Mỹ đối với cơ cấu ở New York khiến cho sức mạnh mềm của New York hoặc mô hình kinh tế New York  phải trả giá đắt. Về việc cải tổ lại, năm ngân hàng lớn (Bear Stearns, Goldman Sachs, Lahman Brothers, Merrill Lynch, Moorgan Stanley) đã bị  phá sản hoặc chuyển đổi cơ cấu, cơn bão tài chính do các ngân hàng này gây ra dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế đặt ra yêu cầu mới đối với việc giám sát quản lý chính trị. Điều mỉa mai là hai năm trước đây, châu Âu đã đẩy trách nhiệm đổ vỡ ngân hàng cho Mỹ, nhưng hai năm sau, bước đi cải cách của Washington lại nhanh hơn châu Âu. Châu Âu đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, còn nền kinh tế Mỹ mặc dù chưa ổn định nhưng đã bắt đầu phục hồi.

 Kinh tế Mỹ vẫn chi phối thế giới
Kinh tế Mỹ vẫn chi phối thế giới

Tuy hiện nay còn quá sớm để kết luận về ảnh hưởng lâu dài của khủng hoảng tài chính đối với sức mạnh của nước Mỹ, nhưng khi so sánh với Nhật Bản thời kỳ thập niên 90, thì nếu Washington nhanh chóng tiếp quản các công ty phá sản và hạn chế những công ty chịu ảnh hưởng nặng khủng hoảng thì cuộc khủng hoảng này đã không đến mức nguy hiểm. Do thị trường lao động của Mỹ linh hoạt, được đào tạo tốt, chính trị ổn định và khuyến khích sáng tạo, nên trong bảng xếp hạng những nước có khả năng cạnh tranh hàng đầu thế giới của Diễn đàn kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ đứng vị trí thứ hai (sau Thụy Sỹ) còn Trung Quốc đứng thứ 29.

Mỹ vẫn giữ vững địa vị hàng đầu trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ nano, mạng Internet thế hệ thứ 2... Tuy nhiên, mặc dù rất ít người cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sức mạnh quân sự sau 20 năm nữa nhưng nhiều người nhận định cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi cán cân  sức mạnh kinh tế và sức mạnh mềm giữa hai nước. Do đó, để so sánh thực lực của Mỹ và Trung Quốc, thì việc quan tâm đến ý nghĩa đằng sau cuộc khủng hoảng này là hết sức quan trọng.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc trong thế ký XXI

Mặc dù Mỹ bị chỉ trích nặng nề vì cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng sức mạnh mềm của Mỹ vẫn lớn hơn Trung Quốc. Ngoài thành công về kinh tế, Trung Quốc còn phải đi một chặng đường dài nữa.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sức mạnh mềm của Trung Quốc ở châu Á và các nước đang phát triển khác đang dần dần nâng cao, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính. “Nhân dân Nhật báo” của Trung Quốc viết: “Sức mạnh mềm đã trở thành một từ then chốt... có khả năng lớn nâng cao sức mạnh mềm của Trung Quốc. Tại một số nước đang phát triển, “Đồng thuận Bắc Kinh” đã được hoan nghênh hơn so với “Đồnh thuận Washington” từng chiếm địa vị chủ đạo trước đây. Tuy nhiên, phải chăng Venezuela và Zimbabwe có thể thu hút mọi người bằng một chính phủ đầy quyền lực? Phải chăng người ta đã quá hâm mộ sự thăng trưởng GDP của Trung Quốc? Hay chỉ muốn tiền vào thị trường rộng lớn không ngừng tăng trưởng của nước này?

Người Trung Quốc rất say sưa với tư tưởng “sức mạnh mềm”. Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã trình bày nhiều bài chính luận nghiên cứu về chủ đề này. Thuật ngữ “sức mạnh mềm” cũng đã trở thành ngôn từ trong phát ngôn chính thức của Trung Quốc. Tháng 10/2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc phải “nâng cao sức mạnh mềm văn hóa quốc gia... văn hóa ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp”.

Trung Quốc luôn có truyền thống văn hóa mê hoặc lòng người, nhưng hiện nay cũng đã hội nhập vào lĩnh vực văn hóa phổ biến của toàn thế giới. 10 năm trở lại đây, số học sinh, sinh viên du học nước ngoài của Trung Quốc tăng gấp ba lần, số lượng du khách nước ngoài cũng tăng rõ rệt. Trung Quốc đã xây dựng vài trăm Học viện Khổng tử trên toàn thế giới. Kênh tiếng Anh của Truyền hình trung ương Trung Quốc đã phát cả ngày. Hai năm qua, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào công tác tuyên truyền đối ngoại, trong đó có kênh thời sự truyền hình cáp của Tân Hoa Xã phát triển 24//24 giờ hàng ngày.

Trung Quốc đã điều chỉnh chiến lược ngoại giao. 10 năm trước, Trung Quốc giữ thái độ thận trọng đối với hiệp định đa phương, có bất đồng với nhiều nước láng giềng. Sau đó, Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cử hơn 3.000 quân nhân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ủng hộ về ngoại giao đối với vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân (Trong đó có việc tổ chức Hội nghị sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều tiên), gác lại tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, đồng thời gia nhập nhiều tổ chức mang tính khu vực, gần đây nhất là tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Chính sách ngoại giao mới đó có lợi cho việc giảm bớt khả năng các nước khác liên kết lại để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sức mạnh mềm của Trung Quốc vẫn có những hạn chế. Mặc dù Mỹ bị chỉ trích do gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng theo kết quả điều tra trong dân chúng của Đài BBC, sức mạnh mềm của Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc. Các nước lớn có ý đồ sử dụng văn hóa và tuyên truyền để xây dựng sức mạnh mềm, từ đó, tăng cường ưu thế của họ. Tuy vậy, sức mạnh mềm phần nhiều là do các lực lượng phi chính phủ tạo ra. Sức mạnh mềm của Mỹ phụ thuộc vào nhiều nguồn lực khác nhau. Nói một cách cụ thể, ngoài giành được thành công trong kinh tế, Trung Quốc còn phải đi tiếp chặng đường rất dài.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và thực lực kinh tế

Giữa Trung Quốc và Mỹ có sự phụ thuộc lẫn nhau. Không có bất cứ bên nào muốn phá bỏ sự cân bằng mỏng manh phụ thuộc lẫn nhau  đó, nhưng các bên đều đang tiếp tục tìm cách gây ảnh hưởng mang tính quyế định từ cơ cấu và khuôn khổ cơ chế quan hệ thị trường.

Một số nhà phân tích tin rằng, những thành tích xuất sắc của Trung Quốc chiến thắng cuộc khủng hoảng tài chính và việc gia tăng dự trữ đồng USD khiến thực lực của nước này nâng lên mạnh mẽ và sẽ vượt qua Mỹ. Tuy nhiên, nếu phân tích thận trọng thì phải quan tâm nhiều hơn đến sự phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau vừa bao gồm tính chất nhạy cảm trong thời gian ngắn vừa bao gồm tính chất mỏng manh trong thời gian dài. Tính chất nhạy cảm là quy mô và tốc độ của kết quả sự phụ thuộc lẫn nhau. Đó là sau khi một bộ phận trong hệ thống đã thay đổi, làm thế nào để những bộ phận khác cũng nhanh chóng thay đổi theo. Chẳng hạn, năm 1998, sóng gió khủng hoảng tài chính của các nước mới nổi ở châu Á đã ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi khác như Braxin và Nga. Cũng như vậy, tháng 9/2008, Ngân hàng Lehman Brothers ở New York phá sản, nhanh chóng gây ảnh hưởng đối với thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, tính nhạy cảm cao khác với tính mỏng yếu nhiều. Tính chất mỏng yếu là cái giá phải trả do cơ cấu của hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Ảnh  hưởng của tính mỏng yếu đó đối với quan hệ quốc tế phải lớn hơn so với ảnh hưởng của tính nhạy cảm. Trong hai nước, nước ít tính mỏng yếu không có nghĩa là cũng ít tính nhạy cảm, mà là nước xoay chuyển được tình thế với sự trả giá thấp. Năm 1998, trước tình hình kinh tế Đông Á, Mỹ đã nhạy cảm với tình thế nhưng lại không có khả năng giải quyết. Cơn sóng gió khủng hoảng tài chính này làm cho nước Mỹ bị giảm sút 0,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng họ vẫn có thể chịu đựng được nhờ vào nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Mặt khác, sự chuyển đổi mô hình đầu tư và thương mại toàn cầu của Indonesia vừa mang tính nhạy cảm vừa mang tính mỏng yếu. Kinh tế nước này đã bị tổn thương nặng nề, đồng thời lại diễn biến thành xung đột chính trị trong nước. Tính chất mỏng yếu cũng có sự khác biệt như vậy. Năm 2008, do bong bóng của thị trường tín dụng thứ cấp và việc bội chi ngân sách của chính phủ không ngừng gia tăng, nên thực tế đã chứng minh nước Mỹ hiện nay mỏng yếu hơn nhiều so với thời kỳ phồn vinh của thị trường 10 năm trước.

Tính chất đối xứng là khái niệm chỉ tình hình tương đối cân bằng, trái với sự chênh lệch, phụ thuộc. Nếu hai bên phụ thuộc lẫn nhau, nhưng mức độ phụ thuộc của bên A thấp hơn so với bên B, thì bên A có cơ sở để giành lấy quyền lực. Kiểm soát tính chất không đối xứng trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau là giải pháp quan trọng của sức mạnh kinh tế. Sự cân bằng hoàn toàn rất hiếm gặp, do đó, hầu hết tình hình phụ thuộc lẫn nhau  về kinh tế cũng ẩn chứa mối quan hệ quyền lực.

Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Tổng thống Mỹ Reagan đã cắt giảm thuế và tăng chi ngân sách. Mỹ dần dần phụ thuộc vào nguồn vốn của Nhật Bản để cân bằng ngân sách liên bang. Một số người cho rằng việc làm này khiến ảnh hưởng của Nhật Bản sẽ gia tăng so với Mỹ. Mặt khác, nếu Nhật Bản ngừng cho Mỹ vay tiền, thì họ sẽ vừa hại người vừa tự hại mình. Khi đó, quy mô nền kinh tế Nhật bản chỉ bằng hơn một nửa so với Mỹ. Điều này có nghĩa là cho dù hai nước đều hưởng lợi từ sự phụ thuộc lẫn nhau, nhưng so với Mỹ thì sự phụ thuộc về xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Mỹ lớn hơn nhiều.

Hiện nay, giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại mối quan hệ giống như vậy. Mỹ nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc, chỉ trả bằng USD, đồng thời Trung Quốc có dự trữ USD và công trái của chính phủ Mỹ, trên thực tế là cho Mỹ vay nợ. Trung Quốc đã có dự trữ 2500 tỷ USD, phần lớn dưới hình thức công trái của Mỹ. Một số nhà quan sát cho rằng “cán cân sức mạnh thế giới đã chuyển dịch mạnh mẽ về hướng Đông”, bởi vì Trung Quốc có thể dùng đồng USD để đe dọa khuất phục  Mỹ. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng giảm đi vì USD mất giá, đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực đến mong muốn nhập khẩu hàng giá rẻ Trung Quốc của Mỹ, từ đó gây thất nghiệp và bất ổn cho Trung Quốc. Vì vậy, việc Chính phủ Trung Quốc bán tháo USD dự trữ có thể làm cho Mỹ phải khuất phục nhưng cũng sẽ làm thiệt hại chính mình.

Nếu chúng ta muốn đánh giá sự phụ thuộc về kinh tế có thể tạo ra sức mạnh hay không, thì phải quan sát hai bên với sự chênh lệch về sức mạnh làm thế nào để đi đến sự cân bằng, chứ không chỉ quan sát một phía. Trong ví dụ trên, sự chênh lệch về sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ đã đặt Trung Quốc trước tình thế “cân bằng dựa trên hiểm họa tài chính”. Điều này giống với sự phụ thuộc lẫn nhau về quan sự giữ Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai bên đều có khả năng hủy diệt lẫn nhau bằng chiến tranh hạt nhân, nhưng chưa diễn ra trong thực tế. Tháng 2/2010, do tức giận về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, một số người đã yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ để trả thù nhưng kiến nghị của họ không được chấp nhận. Ngược lại, Cục trưởng Cục quản lý ngoại hối quốc gia Dịch Cương giải thích: “Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Mỹ  là hoạt động đầu tư thị trường, chúng tôi không muốn chính trị hóa sự việc này”. Nếu Chính phủ Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ thì hậu quả sẽ thiệt hại cho cả hai.

Tuy nhiên, sự cân bằng đó giữa Trung Quốc và Mỹ lại không thể đảm bảo ổn điịnh tình hình. Một mặt là hậu quả khó lường tiềm ẩn từ các sự kiện bất ngờ, mặt khác, có thể tưởng tượng, cả hai bên đều muốn thay đổi khuôn khổ hiện có, giảm bớt các nhân tố bất lợi để tồn tại và phát triển. Sau cuộc khủng hoảng tài chính lần này, để giảm bớt tình trạng nhập siêu và sự mất đối của đồng USD, Chính phủ Mỹ đòi phải tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT). Đồng thời, các quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ rõ Mỹ phải tăng cường dự trữ, giảm nhập siêu, đi theo con đường phát triển lâu dài  hơn. Do đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế nên Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cung cấp một khoản tiền đặc biệt để hỗ trợ cho thực trạng mất cân đối của đồng USD. Tuy nhiên, cho dù Chính phủ Trung Quốc chỉ trích thì nước này cũng chưa có hành động chống trả đặc biệt.

Sức mạnh tài chính hùng mạnh của Trung Quốc có lẽ đã khiến họ từ chối yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều người, sự kiện này cũng không giúp gì cho khả năng Mỹ thay đổi chính sách. Tuy Trung Quốc đã lựa chọn một số biện pháp nhỏ để giảm bớt sự tăng trưởng quá nóng của việc dự trữ  đồng USD, nhưng do nguyên nhân trong nước, họ không muốn mạo hiểm thực hiện chuyển đổi tự do hoàn toàn đồng NDT. Vì vậy, trong 10 năm tới, đồng NDT ít có khả năng đe dọa địa vị đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới của USD (hơn 60%). Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần dần kích thích tiêu dùng trong nước và sử dụng làm lực đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không còn đơn thuần dựa vào xuất khẩu. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc không muốn tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Mỹ để tạo việc làm khiến Mỹ có ảnh hưởng quyết định đến sự ổn định trong nước. Sự mặc cả về chính trị có thể phản ánh mức độ chuyển biến cân bằng sức mạnh giữa hai nước mà mọi người đều có thể cảm nhận được.

Tuy Mỹ và Trung Quốc đều không muốn phá bỏ sự cân bằng không đối đẳng và gắn chặt hai nước với nhau nhưng Mỹ đã thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trên trường quốc tế, đồng thời cũng cho phép những nền kinh tế mới nổi khác phát huy vai trò lớn hơn. Do đó, ngoài Tổ chức G.8, thế giới đã xuất hiện Hội  nghị thượng đỉnh G.20 – nhóm nước chiếm tới 80% tổng GDP toàn thế giới. Những hội nghị này đã thảo luận tính cần thiết phải cân bằng trở lại sự lưu động của nguồn vốn trên thế giới, phải thay đổi mô hình cũ “Mỹ thiếu tiền, Trung Quốc thừa tiền”. Để thực hiện sự thay đổi này, cần thay đổi phương thức tiêu dùng và đầu tư: Mỹ cần gia tăng dự trữ, Trung Quốc phải đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mà điều này lại rất khó thực hiện về chính trị.

Tuy sự chuyển biến trên không thể thực hiện ngay lập tực nhưng điều thú vị là Hội nghị thượng đỉnh G.20 đã đạt được nhất trí: Đó là châu Âu phải giảm bớt quyền bỏ phiếu ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc và các nước mới nổi khác sẽ từng bước được tăng thêm quyền bỏ phiếu. Điều này một lần nữa thể hiện tầm quan trọng phải hạn chế sự phụ thuộc sức mạnh kinh tế. Trung Quốc có thể đe dọa nền kinh tế Mỹ khi bán tháo đồng USD, nhưng sự suy yếu kinh tế của Mỹ cũng có nghĩa là thu hẹp thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Hơn nữa, Chính phủ Mỹ có thể tăng thuế quan vào hàng hóa Trung Quốc để trả đũa. Ngoài ra, khi các nền kinh tế mới nổi khác (Ấn Độ, Braxin) phát hiện ra việc định giá thấp đồng NDT gây thiệt hại cho xuất khẩu của họ, họ có thể kêu gọi Mỹ chống lại Trung Quốc thông qua diễn đàn đa phương như Hội nghị thượng đỉnh G.20. Không có bất cứ bên nào muốn phá vỡ ngay tính mất cân bằng mỏng manh của mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nhưng các bên đều đang tiếp tục tìm kiếm ảnh hưởng quyết định từ cơ chế và khuôn khổ của quan hệ thị trường.

Cảnh giác với định hướng chính sách do dự báo sai

Trước thách thức toàn cầu mà Trung Quốc và Mỹ cùng phải đối mặt, hợp tác sẽ có lợi cho hai nước nhiều hơn. Danh tiếng nước lớn Trung Quốc hiện nay được hưởng lợi từ dự báo về nước này trong tương lai.

Trước những dự báo như vậy, Trung Quốc phải đánh giá kỹ bằng cách nhìn hoài nghi. Về kinh tế và quân sự, Trung Quốc lạc hậu xa so với Mỹ, hơn nữa, trọng điểm chính sách của Trung Quốc chủ yếu tập trung phát triển kinh tế trong lãnh thổ Trung Quốc. Cho dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ vào năm 2007 (như dự báo của Goldman Sachs). Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc, so sánh nền kinh tế của hai nước cũng chỉ mới xét về quy mô chứ chưa tính đến cơ cấu. Trung Quốc sẽ vẫn còn gánh nặng khu vực nông thôn kém phát triển. Hơn nữa, do hiệu ứng của chính sách kế hoạch hóa gia đình thực hiện vào thế kỷ XX, Trung Quốc sẽ bắt đầu đối mặt với vấn đề dân số.

Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng có xu thế giảm bớt cùng với sự phát triển của quốc gia. Giả sử sau năm 2030, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6%, Mỹ tăng trưởng 2%, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc cũng không thể bằng Mỹ. Nhiều khả năng phải vào thời điểm nào đó của nửa cuối thế kỷ XXI, Trung quốc mới đạt được chỉ tiêu này. Do đó, uy thế về tổng quy mô kinh tế không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2027. 10 năm trước, Trung Quốc đã từ vị trí thứ 9 vượt lên số 1 trong số các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, vấn đề cân bằng tài chính và thương mại toàn cầu đang có nhiều tranh cãi, mô hình phát triển hướng về xuất khẩu của Trung Quốc có thể cần điều chỉnh nhất định. Điều này có nghĩa là về trung hạn, thông qua cạnh tranh chèn ép nước khác thực chất là cho phép Trung Quốc trục lợi từ thị trường toàn cầu hóa rộng mở, không muốn nới lỏng ngoại hối, lãi suất và thị trường trong nước thì cuối cùng khủng hoảng tài chính có thể ảnh hưởng xấu đến thực lực của Trung quốc. Mặc dù Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn, nhưng trừ khi có thị trường tài chính thông thoáng và phát triển sâu rộng, lãi suất do thị trường quyết định, nếu không sẽ rất khó vượt qua. Trung Quốc cần sử dụng đồng tiền của mình cho bên ngoài vay để tăng cường ảnh hưởng tài chính.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương đại ý thức được việc phát triển nhanh chóng nền kinh tế là nhân tố then chốt để bảo vệ sự ổn định trong nước. Do đó, họ sẽ ra sức đầu tư cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường quốc tế hài hòa. Trong môi trường quốc tế hài hòa đó, sự phát triển kinh tế Trung Quốc mới không bị phá hoại. Tuy nhiên, do thời đại đổi thay, sức mạnh của đất nước thường làm nảy sinh kiêu ngạo. Nhiều nhà quan sát đã chỉ rõ, thế hệ trẻ Trung Quốc có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ. Sự hiểu lầm về ảnh hưởng của sức mạnh quốc gia liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế có thể là nhân tố kích thích tâm lý dân tộc chủ nghĩa, tâm lý đó có thể dẫn đến sai lầm trong chính sách của Bắc Kinh và Washington.

Trung Quốc không có khả năng trở thành kẻ cạnh tranh ngang vai phải lứa với Mỹ trên phạm vi thế giới. Nhưng sự thực đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không thể thách thức Mỹ trong phạm vi châu Á. Về điểm này, Bill Clinton cơ bản đã đúng: Năm 1995, ông đã phát biểu trong cuộc đối thoại với Giang Trạch Dân rằng nước Mỹ lo sợ thấy một Trung Quốc suy yếu hơn là sợ một Trung Quốc hùng mạnh. Với thách thức mang tính toàn cầu cùng đặt ra trước hai nước, nếu hợp tác thì cả hai sẽ có lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, sự kiêu căng của một bộ phận người Trung Quốc, cộng thêm mối lo ngại không cần thiết của một bộ phận người Mỹ về sự suy yếu của Mỹ đã làm cho tương lai trở nên khó lường. Đưa ra những phán đoán sai lầm về tương lai lâu dài căn cứ theo những sự kiện mang tính chu kỳ trước mắt (như khủng hoảng tài chính gần đây) sẽ đần đến sai lầm về chính sách và phải trả giá nặng nề.