Liệu tiểu bang Alaska- Mỹ có "nối gót" Crimea trở về Nga?

ANTĐ - Sau khi Crimea chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc Liên bang Nga thì một bản kiến nghị sáp nhập tiểu bang Alaska (Mỹ) vào Nga đã được đăng trên trang mạng của Nhà Trắng và nó nhanh chóng thu được hơn 21.000 phiếu ủng hộ.

Hãng tin Nga “Interfax” đưa tin, bản kiến ​​nghị đăng ngày 21-3 trên trang mạng của chính phủ Mỹ, kêu gọi: “Hãy bỏ phiếu cho việc tách Alaska khỏi Hoa Kỳ và sáp nhập nó vào Nga”. Hiện nay, nó đã thu được hơn 21.000 phiếu ủng hộ, để được chính quyền Mỹ chính thức trả lời, đến ngày 20-4, kiến nghị này phải thu thập ít nhất 100.000 chữ ký ủng hộ.

Trong kiến nghị nêu rõ rằng các cư dân của Siberia đã đến Alaska qua eo biển Bering từ thời xa xưa. Người Nga cũng là những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Alaska ngày 21-8-1732.

Những người khai phá là các thành viên thủy thủ đoàn của chiếc thuyền buồm mang tên “Thánh Gabriel” dưới sự chỉ huy của nhà trắc địa Gvozdev M.S. và trợ lý hoa tiêu Fedorov, trong chuyến thám hiểm của A.F Shestakov và D.I. Pavlutski giai đoạn 1729-1735.

Mỹ đã mua vùng đất này từ Nga vào năm 1867. Vào thời điểm đó, Alaska còn là  vùng lãnh thổ xa nhất của Nga. Nga hoàng Alexander II lo ngại sẽ không bảo vệ được vùng đất địa đầu này nên đã quyết định ký hiệp định bán vùng đất có diện tích 1.600.000km2 cho Mỹ vào ngày 30-3-1867, với giá 7,2 triệu USD.

Dư luận Mỹ, nhất là báo chí, lúc đó không hoan nghênh vụ mua bán này và gọi đây là… “vườn gấu bắc cực của (tổng thống) Andrew Johnson”. Tờ “New York Tribune” cho rằng, chi phí mua bán không lớn, nhưng chi phí hành chính hàng năm cả quân sự và dân sự, sẽ lớn hơn nhiều. Lãnh thổ này lại không nối liền với nội địa Hoa Kỳ.

Tờ New York World thì cho rằng, Hiệp định này được soạn ra một cách bí mật, được ký kết lén lút lúc 1 giờ sáng chả khác gì một hành vi đen tối tiến hành lúc nửa đêm, là một “trò điên” của ngoại trưởng Seward. Ngoài quần đảo Aleut và một dải đất ven biển phía nam, vùng đất này thậm chí chẳng đáng đem tặng ai, trừ phi người ta… tìm thấy vàng ở đây.

Tuy nhiên, đối với ngoại trưởng Seward, đây là cả một tính toán chiến lược. Alaska nằm sát bên Canada, lúc đó trực tiếp là lãnh thổ Anh. Nước Nga là một đồng minh quan trọng của Mỹ, giúp đỡ phe liên quân trong nội chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ, còn nước Anh thì gần như là kẻ thù. Do đó, việc giúp đỡ Nga và làm chướng mắt người Anh là một việc làm có lý. 

Sau khi được công nhận là một bang, Alaska đã trở thành bang lớn nhất Hoa Kỳ với diện tích 1.518.800 km2, gấp hai lần kích thước của bang đứng thứ hai là Texas. Alaska chỉ nhỏ hơn 18 quốc gia có chủ quyền. Diện tích vùng lãnh hải của Alaska lớn hơn diện tích của ba bang đứng liền sau là Texas, California, và Montana cộng lại, chiều dài đường bờ biển là 54.720 km.

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số ngày 01-07-2012 do Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ công bố, ước tính dân số Alaska là 731.449, xếp hạng 47 trong số các bang về dân số và cũng là một trong các khu vực thưa dân nhất trên thế giới, với chỉ 0,46 người/km² và là bang giàu thứ 10 xét về thu nhập bình quân trên đầu người.

Lễ chuyển giao Alaska cho Hoa Kỳ được tổ chức vào ngày 18-10-1867, ngày 3-1-1959 Alaska chính thức thành tiểu bang 49 của Mỹ. Việc phát hiện ra dầu tại vịnh Prudhoe vào năm 1968 và việc hoàn thành đường ống dẫn dầu xuyên Alaska vào năm 1977 dẫn đến bùng nổ dầu mỏ tại bang này.

140 năm trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Seward ký hiệp định mua lại Alaska, ông cũng chẳng ngờ rằng sẽ có ngày các mỏ dầu ở Alaska chính là nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ, và cũng là tiền đồn chiến lược cực bắc của Mỹ trước một nước Nga không còn là đồng minh từ 90 năm qua. 

Sau khi bán Alaska cho Mỹ, người Nga không lúc nào nguôi hối hận về điều này. Tuy nhiên, không giống như Crimea hay Ukraine với tỷ lệ người Nga sinh sống đông, dấu ấn chính trị, kinh tế, văn hóa đậm chất Nga, Alaska hiện nay hầu như chẳng có chút dấu ấn nào của Nga. Bản kiến ​​nghị trên dù có thu thập được 100.000 chữ ký để chính phủ Mỹ xem xét trả lời thì chắc nó cũng không giúp bang thứ 49 này tách ra khỏi Mỹ, sáp nhập vào Nga như Crimea.