“Bom nổ chậm” trong sinh viên Mỹ

ANTĐ - Không ít người phải giật mình trước tổng số tiền nợ của sinh viên Mỹ hiện đã vượt quá 1.200 tỷ USD, trong đó có người phải oằn lưng gánh nợ từ thời sinh viên tới tận khi 50-60 tuổi vẫn chưa trả hết nợ.

Sinh viên Mỹ biểu tình kêu gọi giải quyết “quả bom nổ chậm” nợ nần

Công ty dịch vụ tín dụng Experian ngày 10-9 đã công bố một báo cáo về tình trạng nợ nần “ngập đầu” của sinh viên Mỹ đang biến thành một cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Theo báo cáo này, do tiền học phí và các chi phí khác đều leo thang nên hiện có hơn 40 triệu người Mỹ phải mang trên mình gánh nợ nần từ thời sinh viên dù đã ra trường nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. 

Điều đáng nói là số sinh viên và người Mỹ mắc nợ đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng, từ con số khoảng 29 triệu người năm 2008, tăng vọt lên 37 triệu người năm 2012 và 40 triệu hiện nay. Tổng số nợ của sinh viên Mỹ cũng tăng mạnh từ 241 tỷ USD trong năm 2003, lên 550 tỷ USD năm 2007, 904 tỷ USD năm 2012, 1.100 tỷ USD năm 2013 và vượt quá 1.200 tỷ USD hiện nay.

Theo thống kê, hiện có tới 70% sinh viên đã tốt nghiệp tại Mỹ nợ tiền vay ăn học, trong đó mỗi sinh viên nợ trung bình khoảng 29.000 USD, tăng mạnh so với mức trung bình 23.000 USD của năm 2008. Công ty  Experian cho rằng cuộc khủng hoảng nợ của sinh viên Mỹ hiện nay chỉ đứng sau khoản nợ thế chấp dưới chuẩn vốn từng đẩy kinh tế Mỹ vào khủng hoảng tài chính và sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ năm 2008.

Nguyên nhân chính dẫn tới gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ là học phí đắt đỏ với mức chi phí tăng hơn 1.000% trong một thập kỷ qua cho 4 năm đại học. Ngoài ra, có nhiều trường hợp như bà Rosemary Anderson hiện đã 57 tuổi song vẫn còn mắc nợ 152.000 USD từ thời sinh viên cách đây hơn 20 năm với 2 tấm bằng cử nhân và thạc sỹ, sau đó lại phải tiếp tục vay để chi trả cho việc học hành của 2 cô con gái.

Đồng tình với Công ty Experian, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đánh giá rằng, gánh nặng nợ của sinh viên Mỹ đã tăng hơn gấp 3 lần và trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng 2008. Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ tăng từ 25% đến 30% mỗi năm.

Để tháo “quả bom nổ chậm nợ” trong sinh viên Mỹ, Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ra sắc lệnh hành chính nhằm giảm nhẹ gánh nặng học phí và nợ nần cho sinh viên, theo đó quy định những sinh viên vay tiền trang trải trong thời gian học khi ra trường chỉ phải trả nợ không quá 10% thu nhập hàng tháng so với 15% như hiện nay. Chương trình được triển khai thực hiện từ năm 2015 này trước mắt sẽ chỉ áp dụng đối với những sinh viên bắt đầu vay tiền sau tháng 10-2007 và tiếp tục vay cho đến sau tháng 10-2011.

Chương trình trên dự báo sẽ có lợi cho khoảng 5 triệu người khi mở rộng cho những người vay tiền trước thời hạn trên có thể tham gia. Tổng thống Obama cho rằng, những sinh viên tốt nghiệp đại học nên được hỗ trợ để có thể thương lượng các điều kiện trả nợ cho những khoản tiền đã vay mượn trong thời gian theo học nhằm giúp họ giảm bớt gánh nặng nợ nần.