Bất ổn Hồng Kông

ANTĐ - Tình hình bất ổn tại Đặc khu hành chính Hồng Kông leo lên nấc thang mới khi phong trào “Chiếm trung tâm” Hồng Kông phát động chiến dịch phong tỏa trung tâm thành phố này để đòi được bầu cử dân chủ. Hàng nghìn người đã kéo tới chiếm khu Trung Hoàn là khu trung tâm thương mại - tài chính của Hồng Kông và cũng được coi là “Phố Wall” của đặc khu hành chính này từ sáng 28-9.

Học sinh cấp 2 Hồng Kông bãi khóa để biểu tình ủng hộ phong trào đấu tranh đòi tiến hành 
bầu cử thực sự dân chủ

Việc chiếm giữ khu trung tâm “trái tim” kinh tế Hồng Kông diễn ra ngay sau khi hàng trăm người tụ tập bên ngoài Trụ sở chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông, trèo qua hàng rào cao, xông vào bên trong khu nhà. Cảnh sát Hồng Kông đã liên tục sử dụng đạn hơi cay nhằm giải tán người biểu tình, còn người biểu tình dùng ô dù, khẩu trang y tế và kính bảo hộ để tự vệ.

Trước đó, tình hình tại Hồng Kông đã trở nên căng thẳng khi sinh viên của tất cả các trường đại học và cao đẳng trong Đặc khu hành chính này tiến hành bãi khóa trong vòng 1 tuần, kể từ 22-9, để ủng hộ phong trào yêu cầu mở rộng dân chủ. Đến 26-9, học sinh tại Hồng Kông cũng tiến hành bãi khóa, đi biểu tình hưởng ứng cuộc đấu tranh của các anh chị sinh viên.

Căng thẳng hiện nay tại Hồng Kông bắt đầu từ tháng 8 vừa qua ngay sau khi chính quyền Trung ương Trung Quốc không cho phép Hồng Kông được tiến hành một cuộc bầu cử dân chủ hoàn toàn vào năm 2017. Theo đó, bất kỳ ứng cử viên nào tham gia tranh cử chức Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông cũng phải nhận được sự phê chuẩn của một ủy ban thân chính quyền Trung ương Trung Quốc đề cử.

Không chỉ người dân Hồng Kông phản đối quyết định trên của Trung Quốc mà Anh, Mỹ cũng thúc giục Bắc Kinh thực thi “dân chủ thực chất” tại Hongkong trong khi Ủy ban Nhân quyền LHQ cũng có kế hoạch đưa vấn đề quyền bầu cử ở Hồng Kông vào chương trình nghị sự trong một cuộc họp ngày 23-10 tới. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố “cải cách bầu cử” ở Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và nước này “không dung thứ” cho bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài.

Tình hình căng thẳng tại Hồng Kông đã gây ra những hệ lụy tiêu cực với khu vực được xem là một trung tâm tài chính quan trọng ở châu Á này. Nhiều doanh nhân ở Hồng Kông đã lên tiếng bày tỏ lo ngại bất ổn hiện nay có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và thương mại của trung tâm tài chính hàng đầu châu Á như tỷ phú bất động sản Lee Shau-Kee cảnh báo: “Hồng Kông sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh và sự thịnh vượng sẽ sụt giảm”.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của Đại học Hồng Kông - Trung Quốc cũng cho thấy, đa phần người dân đặc khu hành chính này cảm thấy bi quan với tương lai của đặc khu, trong đó khoảng 21% cho biết có kế hoạch di cư khỏi Hồng Kông để ra nước ngoài. Giáo sư Sonny Lo thuộc Viện Giáo dục Hồng Kông nhìn nhận: “Hồng Kông đang đứng trước một làn sóng di cư mới. Sẽ có nhiều người bỏ đi trong vài năm tới, khi cuộc bầu cử đặc khu trưởng đến gần”.