Ùn tắc vì xe nhiều, hạ tầng yếu

ANTĐ - Phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh cùng với sự gia tăng dân số cơ học khiến cơ sở hạ tầng giao thông Thủ đô lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng giao thông ùn tắc, đi lại lộn xộn là chủ đề buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo với Sở GTVT và các ngành liên quan vào sáng qua 18-8.

Ùn tắc giao thông có phần trách nhiệm của người tham gia giao thông

Bùng nổ phương tiện cá nhân

Đại tá Trần Thùy - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, gần 8 tháng đầu năm 2011, trên toàn địa bàn TP đã xảy ra 494 vụ TNGT, làm 436 người chết và 136 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2010 giảm về số vụ và số người thiệt mạng. Song, tình trạng ùn tắc, giao thông mất trật tự vẫn chưa được cải thiện.

Cùng với đó, là sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện cá nhân như mô tô, ô tô. Đến nay, Công an Hà Nội đã đăng ký mới cho 28.000 ô tô, tăng 18,6%, xe máy có giảm nhẹ nhưng cũng ở con số 155.375 xe. Như vậy, hiện tại, toàn TP Hà Nội có xấp xỉ 3,8 triệu mô tô, chiếm 1/8 của cả nước, và 368.000 ô tô, chiếm 1/6 cả nước.

Đó còn chưa kể một lượng lớn xe ngoại tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn TP. Đại tá Trần Thùy đánh giá, đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội hiện nay, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thì lại bùng nổ sự gia tăng của các phương tiện cá nhân. “Làm thế nào để giảm lượng phương tiện cá nhân gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Gia tăng các loại hình vận tải công cộng, nhưng cung cách phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ phải thay đổi để thu hút người dân tham gia, nếu không, vấn đề sẽ còn nhiều nan giải, phức tạp hơn” - Đại tá Trần Thùy nêu ý kiến.

Lo ngại về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện, Sở GTVT Hà Nội được giao quản lý hơn 1.700km đường, với hơn 4 triệu phương tiện cá nhân, dễ hiểu vì sao, Hà Nội cứ mở đường đến đâu cũng không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông. Vỉa hè lộn xộn, bị lấn chiếm, không có đường dành cho người đi bộ. Trên đường thì các loại xe lưu thông hỗn độn, không có trật tự.

Dự án giao thông trọng điểm thì chậm

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo so sánh: “TP Hồ Chí Minh cũng với những khó khăn như Hà Nội, lượng xe và người tham gia giao thông cũng xấp xỉ, nhưng giao thông ở TP Hồ Chí Minh có trật tự, ngăn nắp và văn minh hơn. Đường phố Hà Nội các phương tiện chen chúc nhau, không có trật tự, hỗn độn giữa các làn xe”.

Hơn nữa, sự quản lý trong GTVT còn tồn tại nhiều bất cập, bộc lộ sự yếu kém trong tổ chức giao thông, phân làn, luồng xe. Đơn cử như việc phân làn trên đường Đại Cồ Việt, thực hiện thí điểm để nhân rộng, nhưng chỉ triển khai được một thời gian ngắn rồi lại bỏ.

Trong khi tình trạng ùn tắc, mất trật tự giao thông ngày một nghiêm trọng thì các dự án giao thông trọng điểm nhằm hạn chế tình trạng trên lại triển khai quá chậm. Dự án đường 32, một trong những tuyến giao thông huyết mạch cũng chưa biết thời điểm nào hoàn thành. Đường Cát Linh - Thái Hà - Láng vướng GPMB với 16 hộ; đường Văn Cao - Hồ  Tây còn 81 hộ chưa bàn giao mặt bằng; hay đường trục Tây Thăng Long, được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt từ năm 2006, hiện vẫn đang điều chỉnh về quy mô…

Hiện TP đang triển khai 9 nút giao, nhưng có nút giao như Nguyễn Sơn trên đường Nguyễn Văn Cừ nghiên cứu 6-7 năm nay nhưng vẫn chưa chọn ra được phương án khả thi… rồi một số nút cần thiết để giảm tải áp lực giao thông như Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng… nhưng rất khó GPMB.

Trước khó khăn và tồn tại trên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị, giải quyết từng bước, chú trọng hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông, coi đây là nhiệm vụ tiên quyết. Trong đó, ưu tiên cải tạo đường nội đô vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và các nút hướng tâm; những tuyến đường sắt đã có vốn cần làm nhanh.