- Phương Tây lo ngại viễn cảnh căn cứ hải quân Nga xuất hiện tại Libya
- Bài học từ thảm họa lũ lụt ở Libya
Hôm 2-8, Saddam Haftar (con trai “Thống chế”), nhân vật đứng đầu Quân đội quốc gia Libya (LNA) ở Libya đã bị tạm giữ tại một sân bay ở Naples (Italia) do bị phát hiện tên ông ta có trên cơ sở dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (EU). Những người thân cận với ông Saddam Haftar cho biết, ông này đã bị nhà chức trách thẩm vấn liên quan đến các cáo buộc của Tây Ban Nha.
Quân đội quốc gia Libya phủ nhận việc đóng cửa mỏ dầu El Sharara là để trả đũa lệnh bắt giữ của châu Âu đối với con trai tướng Khalifa Haftar |
Ngay sau đó, sản lượng từ mỏ dầu El Sharara nằm ở sa mạc Murzuq (miền Nam Libya) đã chậm lại. Đây là một trong những mỏ dầu lớn nhất Libya, có sản lượng hơn 300.000 thùng/ngày, nằm dưới sự kiểm soát của tướng Khalifa Haftar. LNA vốn kiểm soát phía Đông và Nam Libya đã phủ nhận việc cố tình đóng cửa mỏ dầu El Sharara là để trả thù về chính trị. Thay vào đó, họ tuyên bố địa điểm này đang gặp phải những vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc của công nhân.
Ông Bashir al-Sheikh, người đứng đầu phong trào Fezzan (một nhóm trước đây đã đóng cửa mỏ dầu) khẳng định họ không liên quan gì đến diễn biến mới nhất này. “Ông Saddam Haftar đã ra chỉ thị ngay lập tức qua điện thoại là không sử dụng vũ lực để đóng cửa địa điểm này nhằm đáp trả nỗ lực bắt giữ ông tuần trước tại Italia dựa trên lệnh bắt do Tây Ban Nha ban hành” - ông Bashir al-Sheikh cho biết.
Tờ Cronica Global có trụ sở tại Barcelona đưa tin, lệnh bắt giữ được ban hành liên quan đến vụ cảnh sát Tây Ban Nha tịch thu lô thiết bị quân sự 1 năm về trước. Lô hàng có đích đến là Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, nhưng lại định chuyển hướng đến miền Đông Libya. Liên hợp quốc đã có lệnh cấm nhập vũ khí vào Libya, nhưng lệnh này được thực thi không thường xuyên. Gần đây, Italia cũng đã chặn một lô vũ khí được chuyển từ Trung Quốc cho lực lượng miền Đông Libya.
Diễn biến mới nhất cho thấy một số người trong giới lãnh đạo Libya có thể lợi dụng mối đe dọa đóng cửa dầu mỏ để thực thi chương trình nghị sự và mục đích cá nhân của họ. Libya đã phải chịu sự chia rẽ chính trị giữa miền Đông và miền Tây kể từ cuộc bầu cử năm 2014 (sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ). Tình trạng bế tắc chính trị sau đó không thể giải quyết được, một phần là do giới lãnh đạo ở cả hai bên đều được hưởng lợi từ nguyên trạng. Quốc gia giàu dầu mỏ này đã bị mắc kẹt trong tình trạng vô lý khi phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu, sau đó bán trong nước với giá trợ cấp. Việc này không chỉ cực kỳ tốn kém mà còn khuyến khích những kẻ buôn lậu bán lại nhiên liệu được trợ cấp vào các thị trường châu Âu để kiếm lời.
Ông Abdoulaye Bathily - Đặc phái viên (cuối cùng) của Liên hợp quốc tại Libya cho biết, đất nước này đang trở thành một quốc gia mafia do các băng đảng thống trị. Đồng thời trở thành một siêu thị vũ khí công khai được sử dụng cho các cuộc cạnh tranh chính trị và cũng được bán ra ngoài biên giới.
Các chính trị gia ở miền Đông và miền Tây Libya nhiều lần tuyên bố họ chỉ còn vài bước nữa là đồng ý tổ chức bầu cử hoặc chuẩn bị thành lập một chính phủ đoàn kết, nhưng tất cả đều không có gì tiến triển. Bên miền Đông ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Theo báo cáo mới đây của Hội đồng Đại Tây Dương (có trụ sở tại Mỹ), Libya hiện đóng vai trò là trung tâm quan trọng cho sứ mệnh của Matxcơva tại châu Phi. Báo cáo chỉ ra, nằm ở vị trí chiến lược tại ngã tư đường giữa châu Phi và châu Âu, Libya là cửa ngõ để Nga mở rộng ảnh hưởng tới Sudan, Chad, Niger cùng các quốc gia Sahel và Trung Phi khác.