Xung đột Ukraine đổi thay cục diện thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có kết thúc với kết quả thế nào thì sự kiện với quy mô lớn và khốc liệt này vẫn sẽ dẫn tới những đổi thay sâu sắc tới cục diện chiến lược thế giới, từ lĩnh vực kinh tế tới an ninh và ổn định toàn cầu cũng như mối quan hệ giữa các nước lớn, các trung tâm chính trị và cuốn theo đó là mối quan hệ của các quốc gia trên toàn thế giới.

Tái cấu trúc thị trường năng lượng

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 song vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm kết thúc. Nga cho đến nay vượt khỏi kiểm soát 2 tỉnh Donetsk và Lugansk tạo nên vùng Donbass ở miền Đông Ukraine - mục tiêu “giải phóng Donbass” mà Matxcơva đặt ra từ khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2, song theo như tuyên bố mới nhất ngày 20-7 vừa qua của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Nga tiếp tục “mở rộng mục tiêu” tại Ukraine.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine mặc dù chưa có dấu hiệu kết thúc song cũng đã dẫn tới những thay đổi lớn trong cục diện chiến lược không chỉ ở châu Âu, nơi đang diễn ra điểm nóng nguy hiểm bậc nhất trong hàng chục năm qua, mà còn trên bình diện toàn cầu, trong nhiều lĩnh vực. Một trong những thay đổi đầu tiên, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu là tái cấu trúc thị trường năng lượng.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang thay đổi bản đồ năng lượng và tái cấu trúc nguồn cung năng lượng thế giới

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang thay đổi bản đồ năng lượng và tái cấu trúc nguồn cung năng lượng thế giới

Ngay từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Mỹ và phương Tây bên cạnh cung cấp trang thiết bị vũ khí hiện đại cho Kiev đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực, thiệt hại tối đa cho Matxcơva. Thế nhưng, chính đòn cấm vận lại trở thành một thứ “boomerang” vô cùng tai hại với chính những người tung ra nó - Mỹ và phương Tây - đẩy giá năng lượng, đặt biệt là dầu mỏ lên cao, nhân tố quan trọng gây ra làn sóng lạm phát phi mã trên thế giới.

Nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga cả trước mắt và tương lai lâu dài, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã ráo riết tìm kiếm nguồn cung cấp mới thay thế. Đối tác năng lượng mới đầu tiên mà châu Âu nhắm tới chính là Mỹ - đồng minh thân cận của họ. Ngay từ đầu tháng 3-2022, tức chỉ một thời gian ngắn sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, EU đã tăng cường sử dụng nguồn cung năng lượng từ Mỹ. Đồng minh then chốt của châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cam kết, cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm 2022 và tổng mức cung cấp bổ sung thêm cho liên minh này đến năm 2030 là 50 tỷ m3 LNG mỗi năm.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, tính tới ngày 1-7 vừa qua, châu Âu đã nhận lượng lượng LNG từ Mỹ nhiều hơn của Nga. EU đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn toàn không còn phụ thuộc nguồn năng lượng từ Nga, song một trong những quốc gia châu Âu vốn phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng từ Nga là Đức, vào giữa tháng 7-2022, giới chức thẩm quyền nước này đã tuyên bố, Berlin chấm dứt hoàn toàn việc mua than đá Nga vào ngày 1-8 tới và dầu mỏ Nga vào ngày 31-12 năm nay.

Nhiều quốc gia thành viên EU cũng tìm kiếm thêm các nguồn cung khác từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông, Bắc Phi hay Trung Á… Đáng chú ý, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng của EU cho biết, liên minh đã và đang tìm kiếm thêm nguồn cung cấp khí đốt từ Nigeria để sẵn sàng ứng phó việc Nga có thể siết nguồn cung năng lượng thêm nữa đối với khối này, theo đó quốc gia châu Phi này hiện đã trở thành là nhà cung cấp đến 14% trong tổng lượng LNG mà EU nhập khẩu.

Trong lúc châu Âu tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng mới thì Nga cũng đã tìm kiếm những khách hàng mới đi đôi với gia tăng mạnh lượng cung cấp cho các khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ… Cuộc xung đột Nga - Ukraine vì thế đang thay đổi bản đồ năng lượng thế giới, tái cấu trúc nguồn cung năng lượng - loại hàng hóa đặc biệt mang tính sống còn với nền kinh tế toàn cầu.

Cuốn các quốc gia vào vòng xoáy đổi thay

Không chỉ tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu cũng như các thị trường mang tính sống còn khác như lương thực, nguyên vật liệu đầu vào then chốt… cuộc xung đột Nga - Ukraine còn đang tác động sâu rộng tới thế cuộc toàn cầu vốn định hình thời gian dài sau Chiến tranh Lạnh. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong nhận định đưa ra trung tuần tháng 7 này đã cho rằng, thế giới đang ở bước ngoặt lịch sử tương đương với giai đoạn kết thúc của Chiến tranh thế giới lần thứ hai hay sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, song bước ngoặt lần này không hề giúp phương Tây gia tăng ảnh hưởng.

Thế giới từng dấy lên tranh luận, có không ít ý kiến về trật tự thế giới sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu hồi cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng là sự chấm hết của thế giới lưỡng cực hình thành bởi một bên là Mỹ và phương Tây với công cụ sức mạnh răn đe là liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bên kia gồm Liên Xô cùng các hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa quy tụ trong khối Hiệp nước Warsaw.

Đã có sự đánh giá cho rằng thế lưỡng cực sẽ chuyển sang thế giới đơn cực với Mỹ là siêu cường duy nhất, có sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với các cường quốc khác trên thế giới. Tuy nhiên, khi Nga kế thừa Liên Xô ra khỏi khủng hoảng, dần lấy lại vị thế và sức mạnh của cường quốc hàng đầu cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, những ai tán đồng nhận định thế giới đơn cực phải xem xét lại. Cả Nga và Trung Quốc trỗi dậy thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ và phương Tây chi phối.

Một nhận định khác của ông Tony Blair gây chú ý là việc cho rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy sự thống trị của phương Tây sắp kết thúc khi Trung Quốc vươn lên vị thế siêu cường trong quan hệ đối tác với Nga. Với lợi thế của một quốc gia đông dân nhất thế giới cùng vị thế một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc suốt từ cuối những năm 1980 tới nay đã trỗi dậy rất nhanh, mạnh về sức mạnh kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này năm 2021 đạt khoảng 18 nghìn tỷ USD, thấp hơn khoảng hơn 3.000 tỷ so với tổng GDP hơn 21 nghìn USD của Mỹ trong cùng năm. Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030, thậm chí GDP của họ có thể còn gấp đôi Mỹ vào năm 2049 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Cùng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, vị thế và tiếng nói của Trung Quốc cũng ngày càng có trọng lượng và Bắc Kinh nay đã ở vào vị thế một cực của thế giới.

Trung Quốc những năm qua, nhất là thời gian gần đây, đã có những động thái, bước đi trên thực tế nhằm khẳng định vị thế, sức mạnh của một cường quốc toàn cầu mà địa bàn, bàn đạp đầu tiên chính là từ khu vực. Giới quan sát nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã phân tán sự chú ý và nguồn lực của Mỹ và phương Tây khỏi châu Á, khiến Trung Quốc có thời cơ hành động ở Biển Đông và các nơi khác ở châu Á và xa hơn là mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Phát biểu trong chuyến thăm Indonesia ngày 24-7, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã lo ngại cho rằng, Trung Quốc ngày càng hung hăng ở nam Thái Bình Dương, nơi họ đang cố mở rộng ảnh hưởng.

Có thể thấy rõ, cuộc xung đột ở Ukraine đang dẫn tới những đổi thay sâu rộng đối với thế cuộc toàn cầu, cuốn các quốc gia vào vòng xoáy này.