Xuất khẩu sang EU đạt hơn 7,7 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương cho biết, trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA, từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2021), hàng Việt Nam đã xuất đi 27 nước EU theo các ưu đãi từ Hiệp định và đạt kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD.
EVFTA hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu

EVFTA hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu

Sau hơn 1 năm EVFTA có hiệu lực, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) đã đạt những kết quả tích cực, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O).

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định (từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2021), các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, nhiều đơn hàng doanh nghiệp ký kết với đối tác EU thường là được bán theo mùa vụ và được xuất khẩu sang EU tại các thời điểm cố định. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp và chi phí vận tải biển tăng chóng mặt đa khiến rất nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã bị đối tác EU hủy và chuyển sang nhập khẩu từ các thị trường khác.

Tình trạng đứt gãy nguồn cung, cước vận tải ở mức cao và sản xuất trong nước gặp khó đang tạo sức ép cho xuất khẩu sang thị trường EU.

Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong quý III-2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do thiếu nhân công và nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất hoặc chỉ sản xuất với năng suất thấp, là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với thế giới nói chung và với thị trường EU nói riêng chậm lại rõ rệt trong những tháng gần đây.

Các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt dịch này chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng hóa của cả nước và là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, trung tâm chế biến, sản xuất giày dép, dệt may, đồ gỗ, nông sản, thủy sản lớn. Đây đều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU.

Mặt khác, do phụ thuộc khá lớn vào các hãng tàu nước ngoài, trong khi chi phí vận tải bằng tàu biển đã tăng mạnh nên doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Dự báo đến hết quý I-2022, khó khăn này mới dần được tháo gỡ.