Xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc: Thị trường lớn, cần “làm ăn nghiêm túc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại diễn đàn sản Kết nối nông sản 970 “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc” diễn ra sáng nay, 10/2, các đại biểu tham dự đều cho rằng, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng hết được cơ hội.

Lo ngại nông sản Thái Lan đi nhanh hơn, giá rẻ hơn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, hiện nay, tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN&PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Nam, cách đây 2 ngày (ngày 8/2/2023) Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

“Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”- Thứ trưởng Nam cảnh báo.

Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua Lào Cai đã diễn ra bình thường trở lại

Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua Lào Cai đã diễn ra bình thường trở lại

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; của cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm đáng tiếc, chưa được như kì vọng”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi bày tỏ.

Ông Sơn cho rằng, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

“Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường”, ông Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất được ưa chuộng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất được ưa chuộng

Hoàn thiện hồ sơ, lưu ý chính sách nước bạn

Ông Vương Trịnh Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu cho biết, từ 8/1 đến nay, các hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường như trước khi chưa có dịch.

“Một tháng qua có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%”, ông Quốc thông tin.

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, các xe nông sản đến làm thủ tục xuất khẩu trong ngày. Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý cửa khẩu tỉnh Vân Nam phía Trung Quốc đã trao đổi thay đổi phương thức vận tải, theo đó, bỏ xe trung chuyển và cho phép xe chở nông sản vào thẳng bãi chuyển hàng hóa của hai bên.

Lào Cai cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Ninh Thuận xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu của tỉnh. Tỉnh cũng tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, biện pháp thủ tục đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Dự kiến khi mở cửa, sẽ có lượng lớn thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh đã tăng cường các điều kiện về bến bãi để đáp ứng nhu cầu thông quan tại cửa khẩu Kim Thành.

Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ, từ nay đến 30/6; Chính sách thương mại biên mậu với Trung Quốc cũng có nhiều ảnh hưởng với rau quả tươi… Bộ NN&PTNT cũng đang đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc đề xuất nhóm hoa quả tiếp theo: bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa.

Ông Hòa nêu kiến nghị với UBND tỉnh Lào Cai về việc Biên phòng Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ với xe từ bến bãi phía bạn vào thị trường. “Đề nghị Lào Cai đàm phán với phía bạn, tạo điều kiện thông thương tốt hơn”.

Ông Hòa cũng đồng tình cho rằng, một trong những chiến lược xuất khẩu của Việt Nam là tuyến đường sắt Hà Nội Lào Cai, kết nối với đường biển, đường bộ từ các nước ASEAN qua. Đây là vấn đề cần hoàn thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai.