Xuất khẩu gạo - tăng lượng, được giá nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chưa bao giờ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại cao như hiện tại, lượng xuất khẩu cũng tăng mạnh. Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, tận dụng thời cơ giá tăng để đẩy hàng là đương nhiên, nhưng nếu cứ theo đuổi xuất khẩu, liệu an ninh lương thực trong nước có đảm bảo?

Xuất khẩu gạo hướng tới kỷ lục mới

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục với 7,1 triệu tấn sau khi có đột phá tại nhiều thị trường. Nhưng con số này được dự báo tiếp tục có sự thay đổi lớn trong năm 2023. Theo Bộ NN&PTNT, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi.

Nông dân phấn khởi vì lúa gạo được mùa, được giá

Nông dân phấn khởi vì lúa gạo được mùa, được giá

Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu gồm gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU. Đặc biệt, từ giữa tháng 7 tới nay, thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)… hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.

Cụ thể, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati), giá gạo xuất khẩu các nước đồng loạt tăng mạnh, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường xuất khẩu gạo ngày 4-8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn. Đây là mức giá cao kỷ lục và xu hướng tăng giá vẫn tiếp tục tăng.

Giá gạo nội địa tăng nhanh

Tại nội địa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20-7-2023 (lệnh cấm có hiệu lực). Ngày 10-8, giá gạo trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng 100 - 150 đồng/kg. Theo đó, giá gạo nguyên liệu ở mức 12.300 - 12.400 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg; giá gạo thành phẩm tiếp tục tăng 100 đồng/kg lên mức 14.400 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 11.700 đồng/kg; cám khô ở mức 7.600 đồng/kg. Tại An Giang, giá các loại gạo bán lẻ duy trì ổn định. Giá gạo trắng thông dụng ở mức 15.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 16.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg.

Các thương lái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ngày 10-8, lượng gạo nguyên liệu về nhiều, nhu cầu mua cao, giá gạo các loại có xu hướng tăng. Với mặt hàng lúa, giá lúa hè thu tiếp tục ở mức cao. Nguồn lúa IR 504 ít, giá có xu hướng tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khẳng định, giá gạo trong nước đang cao hơn giá gạo xuất khẩu nên chưa vội ký hợp đồng xuất khẩu mới và tạm dừng thu mua lúa gạo, trừ những doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trước đó. Trong khi đó, nhiều nông dân cũng cho biết, họ chưa vội bán lúa gạo nếu chưa ký hợp đồng từ trước đó vì còn chờ giá lên cao hơn.

Củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ

Dù nguyên nhân trực tiếp khiến giá gạo “tăng nóng” trong thời gian gần đây xuất phát từ thị trường gạo thế giới, song diễn biến giá gạo trong nước tăng cao hơn giá xuất khẩu là dấu hiệu đáng lo ngại. Giá gạo tăng giúp nông dân có lãi, nhưng không có lợi cho hàng triệu người tiêu dùng. Không những vậy, bối cảnh này có thể dẫn tới tình trạng đợi giá xuất khẩu tăng, ưu tiên xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo kế hoạch đã được Bộ NN&PTNT xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay diện tích gieo trồng lúa của nước ta đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn. Đến nay, qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi. Nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ trên diện rộng, năm 2023 sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi. Đối với những lo ngại về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với sản xuất trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng, nhìn lại các niên vụ 2015 - 2016 và 2019 - 2020 khi hiện tượng El Nino xuất hiện, Việt Nam có nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới. Về tiến độ, tính đến ngày 1-8-2023, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ Đông Xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch. “Có thể có rủi ro nhưng về cơ bản, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu” - ông Nguyễn Như Cường khẳng định.

Theo ông Trần Duy Đông, cơ cấu xuất khẩu gạo trên là đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo. Nhận định về tình hình thị trường gạo hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các nước đang tăng cường dự trữ, tình trạng thiếu hụt đã diễn ra khá nghiêm trọng, giá gạo toàn cầu tăng mạnh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức đan xen. Do đó, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo cần xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để đảm bảo nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá.

Chuỗi phản ứng dây chuyền từ các nước thông qua lệnh cấm xuất khẩu lương thực

Khi Ấn Độ - quốc gia có nguồn cung lớn nhất thế giới - ban hành lệnh cấm xuất khẩu chủng loại gạo chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu đã gây tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung, ảnh hưởng đến 140 quốc gia. Do chuỗi tác động hậu Covid-19 chưa có dấu hiệu hồi phục, xu hướng lạm phát vẫn gia tăng cộng thêm ảnh hưởng nguồn cung lương thực thế giới đã buộc một số quốc gia đưa ra giải pháp tức thì kiềm chế lạm phát. Sau Ấn Độ ban hành lệnh cấm ngày 20-7 thì đến ngày 28-7, UAE thông báo cấm xuất khẩu gạo (dù nước này nhập khẩu 90% tổng lượng lương thực). Ngày 29-7, Nga thông báo cấm xuất khẩu gạo đến hết năm. Các nước đưa ra lệnh cấm đều với lý do bình ổn giá và kiềm chế lạm phát. Động thái này lo ngại khả năng một loạt nước sẽ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… và các nước sản xuất ngũ cốc khác gồm ngô, đậu tương. Khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng trên toàn cầu đặc biệt tại các khu vực vốn đã bị ảnh hưởng do Covid-19 như khu vực châu Phi.